Đây được xem là tuyến giao thông huyết mạch không chỉ của khu vực Đông Nam Bộ mà của cả khu vực phía Nam.
Tuyến cao tốc này hình thành không chỉ giảm tải cho quốc lộ 51 đang quá tải trầm trọng hiện nay mà còn giúp cho hệ thống cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải phát huy hết tiềm năng. Và để cho cao tốc kịp khởi công vào tháng 4 năm 2023 như kế hoạch, hiện công tác kiểm kê tài sản giải phóng mặt bằng đang được 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện hết sức khẩn trương.
Xã Tóc Tiên có 8,1 km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua với gần 60 hecta đất của hơn 420 hộ dân thuộc diện phải giải toả, phải thu hồi để nhường mặt bằng thi công cao tốc. Những ngày qua, các nhân viên địa chính xã đang tất bật làm việc với các hộ dân để kiểm kê tài sản, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho kịp tiến độ.
Toàn thị xã Phú Mỹ có hơn 15km cao tốc đi qua với hơn 1.100 hộ dân thuộc diện phải di dời, và 117 héc ta đất phải thu hồi. Đến nay công tác kiểm kê tài sản để đền bù cho người dân đạt khoảng 50%..
TP Bà Rịa có 3,7 km, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua 2 xã Tân Hưng và Hòa Long với hơn 140 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi là hơn 22 héc ta, hiện nay công tác kiểm kê tài sản, vận động người dân bàn giao mặt cũng đang được thực hiện hết sức khẩn trương.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có tổng chiều dài hơn 53 km đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu là 19,5km. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên tổ chức họp để nghe các địa phương báo tiến độ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cao tốc kịp khởi công vào tháng 4 năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!