Gần 600m của con đường gốm sứ, đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu, Hà Nội đang bắt đầu được dỡ bỏ để phục vụ cho công trình mở rộng đường Âu Cơ. Tuyến đường này vào giờ cao điểm thường hay xảy ra tình trạng ùn ứ nên việc dỡ bỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giao thông và việc đi lại của người dân.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Công trình được hoàn thành vào tháng 10/2010 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những ngày gần đây, có rất nhiều ý kiến xoay quanh về việc con đường gốm sứ bị phá bỏ một đoạn để mở rộng đường Âu Cơ. Vốn là công trình nghệ thuật mang tính biểu tượng của Thủ đô nên việc một phần con đường bị dỡ bỏ cũng khiến nhiều người dân tiếc nuối.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ là công trình phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 của Dự án xây cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên. Thực tế, giai đoạn 2 này của dự án đã bắt đầu khởi công từ cuối tháng 12/2019. Đoạn này có tổng chiều dài là gần 4km.
Để đảm bảo cho công trình được mở rộng và xây dựng tường chắn bê tông cốt thép bên phải phía ngoài đê để thay thế một phần đê đất, kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên thì hơn 600m đường gốm sứ buộc phải phá bỏ.
Hơn 600m con đường gốm sứ bị buộc phải phá dỡ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân (Ảnh: Báo Giao thông)
Trước băn khoăn liệu việc dỡ bỏ một đoạn con đường gốm sứ có thể ảnh hưởng đến danh hiệu "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới" do Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đáng tiếc nhưng cũng phải chấp nhận vì giao thông đoạn đường này cũng rất quan trọng.
Việc mở rộng đoạn đường sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối sân bay Nội Bài về trung tâm Ba Đình cũng như đảm bảo hơn về mặt lưu thông cho tuyến đường trọng yếu này. Dự án này cũng đã được HĐND TP phê duyệt cách đây 2 năm cũng như đảm bảo hơn về mặt lưu thông cho tuyến đường trọng yếu.
Ngay sau khi hoàn thiện con đường, hai bên đường vẫn sẽ lại có những bức thành bê tông để đơn vị thi công có thể gắn trả lại bức tranh gốm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!