Đầu xuân trò chuyện với “người vác tù” đất Dương Liễu

Nguyễn Quân-Thứ tư, ngày 14/02/2024 15:07 GMT+7

Ông Nguyễn Phi Đức - Chủ nhiệm HTX Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội)

VTV.vn - Gắn bó cả cuộc đời cho công việc tập thể, năm 2023, ông Nguyễn Phi Đức - Chủ tịch HTX Dương Liễu - vinh dự là một trong 10 gương mặt "Công dân Thủ đô ưu tú".

"Năm 8 tuổi tôi đã theo mẹ tham gia các công việc trong hơp tác xã và rồi công việc của tập thể, của bà con làng xã đã gắn bó mãi với tôi như một sự tình cờ thú vị" - ông Nguyễn Phi Đức, Chủ nhiệm HTX Dương Liễu, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hồi ức từ những ngày thơ ấu ấy. Năm 1998, mô hình hợp tác xã bắt đầu có những chuyển biến về mặt cơ cấu hoạt động, hình thức bao cấp bắt đầu đươc xóa bỏ, các hợp tác xã dần chuyển sang mô hình tự chủ - "tự làm, tự ăn".

Tuy còn những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng mô hình mới đó cũng cuốn hút và thôi thúc chàng trai trẻ Nguyễn Phi Đức dám nghĩ dám làm. Với sự tín nhiệm cao của các xã viên, Nguyễn Phi Đức tự tin nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm hợp tác xã, là người "đứng mũi chịu sào" của một tổ chức có 2.364 hộ dân.

"Có nhiều giai đoạn, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn nhưng chưa khi nào tôi chùn bước bởi đơn giản mô hình kinh tế tập thể thực sự là mô hình kinh tế của dân, do dân và vì dân. Tôi tin, nếu mình sáng tạo, kiên trì theo đuổi, nhất định con đường phát triển của hợp tác xã sẽ ngày một tươi sáng" - ông Nguyễn Phi Đức nhớ lại.

Đầu xuân trò chuyện với “người vác tù” đất Dương Liễu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Đức trao đổi công việc với một thợ thêu của HTX Dương Liễu (Ảnh: Nguyễn Quân)

Một trong những đóng góp có ý nghĩa của ông Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Phi Đức đối với bà con xã viên đó chính là việc ông mạnh dạn chuyển đổi quản lý số điện, giảm thiểu mạnh việc tổn hao điện năng của hợp tác xã Dương Liễu. Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022, tổn hao điện thương phẩm của hợp tác xã giảm từ 8,9% xuống còn 3%/năm, làm lợi cho hợp tác xã hàng tỷ đồng. Từ hiệu quả giảm tổn thất điện năng, hợp tác xã có đủ nguồn lực đầu tư công suất cấp điện từ 11.250KVA lên 22.470KVA, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.

Các hoạt động chuyển đổi số của đơn vị cũng được triển khai sớm để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, như: quản lý dữ liệu theo phần mềm hiện đại, đa dạng hình thức nộp tiền, khuyến khích không sử dụng tiền mặt, thực hiện nhắn tin SMS, Zalo thông báo tiền điện cho khách hàng. Hiện tại, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 40%.

Đầu xuân trò chuyện với “người vác tù” đất Dương Liễu - Ảnh 2.

Một sản phẩm tranh thêu tay của HTX Dương Liễu

Đến nay, Dương Liễu cũng là một trong ít những địa phương mà hợp tác xã miễn toàn bộ các loại dịch vụ nông nghiệp khi cung ứng phục vụ cho nhân dân. Ông Đức cho biết, với diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là hơn 270ha, điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn do là địa bàn ven đô, nằm trong vùng quy hoạch đô thị, để hỗ trợ bà con duy trì sản xuất, ông đã cùng Hội đồng quản trị Hợp tác xã thống nhất hỗ trợ thành viên 5 dịch vụ đầu vào phục vụ miễn phí, như: dịch vụ thủy nông, dịch vụ bảo vệ hoa màu, dịch vụ tu sửa giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đã đạt 203 triệu đồng/ha, nông dân không chán ruộng, bỏ ruộng, dù là xã làng nghề phát triển.

Về Dương Liễu, hỏi chuyện ông Nguyễn Phi Đức, không ít người dân còn nhớ mãi ông chủ nhiệm bỏ rất nhiều tâm sức để khôi phục lại nghề thêu truyền thống của làng. Chuyện là thời trước, Dương Liễu đã có một hợp tác xã thủ công nghiệp làm nghề thêu nhưng theo thời gian, công việc đó bị mai một rồi hợp tác xã cũng tan rã.

Năm 2002, chính ông Nguyễn Phi Đức là người lên kế hoạch tập trung phát triển ngành nghề và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống cho bà con xã viên. Để giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, tạo việc làm nhằm xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Phi Đức đã tích cực nhờ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khôi phục và đào tạo lại nghề thêu và may (thời gian đầu mở 2 lớp dạy nghề may, 4 lớp học nghề thêu). Bên cạnh đó, việc khai thác thị trường tiêu thụ và tổ chức sản xuất tạo đầu ra cho nhiều hội viên cũng được ông Đức và HTX tiến hành bài bản.

Thời điểm đó, HTX còn liên kết với HTX Phong Vân (huyện Ba Vì) giải quyết việc làm cho 25 lao động làm nghề thêu; phối hợp với Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức đào tạo nghề thêu cho 25 lao động tại huyện Phổ Yên; tổ chức dạy nghề thêu cho cơ sở nhân đạo Phù Đổng (huyện Sóc Sơn).

"Tuy chưa phải là con số quá lớn nhưng đó là công việc thực sự phù hợp với những người đang làm. Mỗi người một hướng đi, một công việc không giống nhau bởi nó còn phụ thuộc vào khả năng và sự lựa chọn của mỗi người. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đã dạng ngành nghề, huy động và tạo ra nhiều việc làm mang lại thu nhập, đời sống cho các hội viên" - ông Đức tâm niệm.

Đầu xuân trò chuyện với “người vác tù” đất Dương Liễu - Ảnh 3.

Các hội viên HTX Dương Liễu vẫn giữ và phát triển công việc truyền thống của địa phương (Ảnh: Nguyễn Quân)

Một mùa xuân nữa cũng đã tới, năm 2024, ông Nguyễn Phi Đức tâm sự, đây cũng là năm bản lề cho kế hoạch đưa xã Dương Liễu lên thành phường như lộ trình thành phố đã đề ra. Dù bộn bề công việc nhưng mục tiêu phục vụ cư dân đô thị là kế hoạch lớn mà ông Đức cũng như toàn thể hợp tác xã xác định.

"Ngày trước mang hàng đi bán thì giờ đây, khi thành phường, thành đô thị lại muốn hàng mang về đây để bán. Chính vì vậy mà tất cả chúng tôi đều phải thay đổi dần tư duy, thay đổi cách thức và đặc biệt, phải có sự chủ động về mặt nhân lực và trình độ. Những đòi hỏi quan trọng và thiết thực đó của cuộc sống cũng được chúng tôi họp bàn, tính toán, lên kế hoạch từ những năm trước" - ông Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Phi Đức đã có trên 25 năm gắn bó với tập thể Hợp tác xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Ông Đức là người đã đưa Dương Liễu từ đơn vị trung bình trở thành đơn vị vững mạnh, từ hoạt động dịch vụ nông nghiệp đơn thuần sang hoạt động đa ngành, đến nay trở thành hợp tác xã điển hình của thành phố Hà Nội và toàn quốc.

Hợp tác xã Dương Liễu đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2014, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2003; Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2003; 7 lần được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Cá nhân ông Nguyễn Phi Đức 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 2 lần được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tặng Bằng khen năm 2022; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen năm 2018; Liên minh HTX Việt Nam tặng danh hiệu "Cán bộ quản lý hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc" năm 2014.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước