Đau đáu nỗi lo giữ lửa nghề đậu bạc

Minh Toàn-Thứ hai, ngày 27/02/2023 20:46 GMT+7

Sản phẩm đậu bạc yêu cầu người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận cao (Ảnh: Minh Toàn).

VTV.vn - Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay nghệ nhân làng kim hoàn Định Công (Hà Nội) vẫn miệt mài níu lại cái hồn của sự tinh hoa xưa.

Là một trong 4 làng nghề thủ công tinh xảo nhất ở đất Kinh kỳ xưa, bao gồm: "lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã". Đã từng có khoảng thời gian, làng bạc Định Công chìm dần vào quên lãng. Những nghệ nhân đạt tới mức tinh hoa, ít dần đi theo thời gian, tưởng chừng nghề đậu bạc sẽ thất truyền. Nhưng đến nay, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh (42 tuổi, Định Công) vẫn đang miệt mài gìn giữ, níu lấy cái "hồn" của làng – nghề làm đậu bạc.

Đậu bạc tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Đậu phải làm thủ công chứ không thể bằng máy.

Cái duyên với nghề

Sinh ra trong một gia đình có bố là nghệ nhân - ông Quách Văn Trường, ngay từ nhỏ anh Tuấn Anh đã được tiếp xúc với các công đoạn để tạo ra thành phẩm đậu bạc. Từ khâu nấu bạc, kéo bạc thành sợi đến tết sợi, tạo hình, đậu thành những sản phẩm hoàn chỉnh... Những sản phẩm đơn giản có thể chỉ mất 1-2 ngày, nhưng với những sản phẩm có độ khó cao thì có thể mất đến cả tháng, thậm chí có những sản phẩm làm cả năm mới xong. Bởi vậy mà trước đây người nghệ nhân 42 tuổi không hề có ý định nối nghiệp của cha ông.

Nghề đậu bạc không phải là nghề có thể học xong trong ngày một, ngày hai mà nó là cả một quá trình. Người thợ cần tập đi tập lại việc uốn, tạo hình từ những sợi chỉ bạc rồi dần mới chuyển sang làm sản phẩm. Công đoạn khó nhất là công đoạn hàn ghép các chi tiết lại với nhau, bởi vì đặc trưng của những sản phẩm này là ghép từ hàng trăm thậm chí là hàng nghìn chi tiết để có thể ra được thành phẩm. Bởi lẽ, công đoạn hàn rất khó để kiểm soát ngọn lửa có thể dẫn đến việc chảy bạc và phải thực hiện lại từ đầu.

Tốt nghiệp ngành Luật và quản trị của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), anh Tuấn Anh, đứng trước những cơ hội lớn để phát triển nghề nghiệp theo ngành đã học. Tuy nhiên, trước những thời cơ và thách thức của nghề đậu bạc, anh Tuấn Anh đã từng bước thay đổi suy nghĩ để rồi lập xưởng, đào tạo, phát triển xưởng…và gắn bó với nghề đậu bạc cho tới nay.

"Ở cái tuổi đôi mươi, trong suy nghĩ chung là muốn ra ngoài bay nhảy, làm những công việc năng động thay vì ngồi một chỗ nên hồi đó tôi không có ý định theo nghề. Cũng có thời gian bố hướng dẫn tôi làm nghề nhưng tôi từ chối vì bản thân không thể ngồi một chỗ để làm những công việc yêu cầu sự tỉ mỉ và cẩn thận cao như vậy…" – anh Tuấn Anh chia sẻ.

Đau đáu nỗi lo giữ lửa nghề đậu bạc - Ảnh 1.

Giai đoạn hàn là giai đoạn khó, người nghệ nhân phải là người cảm nhận được lửa tốt thì mới được giao làm giai đoạn này (Ảnh: Minh Toàn).

Và rồi nghề bạc đến với anh như một cái duyên. Anh Tuấn Anh bộc bạch: "Bố mình là nghệ nhân cuối cùng của làng nghề, thì với những gì mình được học mình thấy cái nghề này rất quý, đã có hơn 1000 năm tuổi đời, mà đến bố mình lại là người cuối cùng mà không còn ai theo nghề thì rất tiếc. Mà sản phẩm làm ra thì khách hàng vẫn rất yêu mến chỉ là không có người làm ra nó thôi…".

"Nhiều người yêu mến" trở thành cơ hội và động lực để làng nghề tiếp tục tồn tại và phát triển. Và anh Tuấn Anh cũng quyết tâm theo nghề để cố gắng gìn giữ lại cái nghề mà ông cha để lại và phát triển nghề tốt hơn. Năm 2003, anh Tuấn Anh quyết định bắt đầu thành lập xưởng, gìn giữ nghề cha ông.

Thời điểm, bố của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh làm nghề, đã có những khách nước ngoài đến tham quan và đặt hàng. Do chỉ có một mình ông làm nghề nên thời gian để hoàn thiện một sản phẩm là tương đối cao vì vậy mà không kham nổi những đơn hàng lớn. "Ví dụ như bố mình làm một cái hộp mất 1 tuần mà bây giờ họ bảo, họ muốn đặt 1000 cái thì làm sao mà hoàn thành được. Đây cũng chính là cơ hội để đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm của nhà mình…". Hơn hết, anh Tuấn Anh là một người tìm được hạnh phúc trong nghề: "Khi hoàn thành được một sản phẩm với độ khó cao, thì mình sẽ rất hạnh phúc, mình có cảm giác vượt qua chính mình…".

Bắt đầu lại từ đầu

Với một người bắt đầu lại từ đầu như anh Tuấn Anh thách thức là tương đối nhiều. "Thời điểm mình bắt đầu, mình quyết tâm phải học nghề cho thật giỏi. Khi học nghề được rồi thì lại phải giải bài toán mở rộng sản xuất ra làm sao? Mình phải trực tiếp đào tạo lại tất cả những người thợ, thu hút thợ ra làm sao? Trả lương cho họ như thế nào? Mặt bằng, nguyên vật liệu thì tính sao? Làm ra sản phẩm rồi thì bán sản phẩm như nào? Phải tiếp cận lại thị trường ra sao? Vì bố mình ngày xưa làm cho duy nhất một người nên bây giờ bắt đầu lại cũng có nhiều khó khăn, bất cập…".

"May mắn rằng, bố mình là một người có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm rất sâu trong nghề..." – nghệ nhân Tuấn Anh nói. Từ đó, anh đã trang bị cho bản thân một nền tảng vững chắc để bắt đầu phục dựng lại một trong số những nghề thủ công tinh hoa nhất của xứ Kinh kỳ xưa.

Với mỗi học viên hay mỗi thợ, anh Tuấn Anh đều phải trực tiếp chọn lựa rồi đào tạo một cách miễn phí. Anh Tuấn Anh cho biết: "Bản chất đồ kim hoàn là những đồ có giá trị và tính thẩm mỹ cao mà để tạo dựng được vị trí trong lòng của khách hàng thì không được phép làm gian, làm xảo vì vậy mà yêu cầu quan trọng nhất là phải trung thực. Thứ hai, là phải kiên trì, bởi vì nghề thủ công là phải ngồi một chỗ rất nhiều nên các bạn học viên hay thợ phải thay đổi tính cách một chút…" Bởi lý do đó mà độ tuổi của thợ chính hay học viên tại xưởng của anh Tuấn Anh rất đa dạng. Người trẻ nhất trong xưởng của anh Tuấn Anh chỉ mới 15 tuổi, người cao tuổi nhất năm nay đã 43 tuổi.

Đau đáu nỗi lo giữ lửa nghề đậu bạc - Ảnh 2.

Anh Tuấn Anh cho biết: "Áp dụng công nghệ thì cũng có cái tốt nhưng mà dễ dẫn đến việc nhân bản nghệ thuật, từ đó khó giữ được làng nghề thủ công…" (Ảnh: Minh Toàn)

Giai đoạn đầu thành lập xưởng, những sản phẩm chủ yếu được đem đi ký gửi. Bởi thời gian đó, sản phẩm từ xưởng của anh Tuấn Anh chưa thực sự phổ biến trên thị trường và anh cũng chưa nắm được thị trường. Đây là một phương thức để tăng độ nhận diện cho sản phẩm và và tiếp nhận những phản hồi từ khách hàng để cải thiện và nâng cấp chất lượng sản phẩm cho phù hợp với thị trường.

Thời gian này, xưởng của anh Tuấn Anh tập trung nhiều vào những sản phẩm trang sức, sau đó khi phát triển ổn định hơn thì chuyển dần sang làm các sản phẩm trưng bày, quà tặng hơn. Do bắt đầu lại từ đầu nên việc phải đối đầu với những khó khănvà thách thức là điều hết sức bình thường so với anh Tuấn Anh.Tuy nhiên, anh Tuấn Anh đã và đang làm rất tốt việc "giữ lửa" cho làng nghề làm đậu bạc này trong suốt 20 năm qua.

Thủ công là lợi thế

Trao đổi về định hướng trong tương lai, anh Tuấn Anh chia sẻ: "Đầu tiên là phải mở rộng đào tạo, mình sẵn sàng đào tạo miễn phí cho các bạn có nhu cầu. Cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Sau đó là mở rộng thêm thị trường, tiếp cận thêm nhiều các khách hàng tiềm năng. Tiếp theo nữa thì cũng mong muốn làm du lịch nếu cơ sở vật chất tốt hơn, làm được các phòng trung bày truyền thống…".

Vì theo anh Tuấn Anh, làm du lịch sẽ quảng bá nghề tốt hơn. "Sau này nếu có khách du lịch đến với Định Công thì sẽ có nhiều điều để nói với họ hơn và người dân Định Công cũng tự hào hơn. Khi đó thì làng nghề Định Công sẽ tìm đến học nghề và gìn giữ nghề, từ đó mà làng nghề Định Công phát triển hơn" – anh Tuấn Anh nói thêm.

Trong tương lai, các sản phẩm từ làng Định Công có thể áp dụng khoa học công nghệ trong thiết kế. Khi đó sẽ tách ra làm 2 dòng sản phẩm. Một dòng có kết hợp thêm về công nghệ, như vậy thì số lượng ra nhiều hơn thì sản phẩm cũng sẽ phổ biến hơn…

Đau đáu nỗi lo giữ lửa nghề đậu bạc - Ảnh 3.

Đền thở tổ kim hoàn hiện là nơi được tận dụng để làm xưởng kim hoàn trong thời gian xưởng đang nâng cấp và sửa chữa (Ảnh: Minh Toàn).

Tuy nhiên, anh Tuấn Anh vẫn chú trọng nâng cao tay nghề cho những người có trình độ cao để chỉ làm những sản phẩm thủ công. Bởi theo anh Tuấn Anh, đó mới là cái riêng, cái lợi thế của làng đậu bạc Định Công. "Khi mà đưa công nghệ vào làm thì bất cứ nơi nào cũng có thể làm được, khi đó thì mình không có cái yếu tố riêng của mình trong đó. Mà để tạo dựng được thương hiệu thì đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao vì sẽ có rất ít những người có thể làm theo được mình. Và đó là lợi thế của mình, chứ so về công nghệ thì mình không thể cạnh tranh với châu Âu hay các nước trong khu vực được…" – anh Tuấn Anh nói thêm.

Anh Tuấn Anh cũng đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, các cuộc thi về đồ thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Đáng chú ý, anh Tuấn Anh đã về nhất 2 lần liên tiếp vào năm 2020 và năm 2022, trong hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động …Đây cũng là một trong số nhiều những giải thưởng mà anh Tuấn Anh đã đạt được trong suốt quá trình gìn và giữ nghề.

Hiện tại, xưởng của anh Tuấn Anh cũng đã có mặt trên facebook và website. Và đón những đoàn khách nước ngoài đến trải nghiệm làm đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên do cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng được các đoàn lớn nên chỉ hợp tác với các bạn đưa các đoàn nhỏ tới. Người nghệ nhân này coi đây là một trong những cách cốt yếu để quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi hơn.

Hầu hết các sản phẩm đang được trưng bày tại xưởng của anh Tuấn Anh chỉ mang tính giới thiệu bởi lượng khách đặt hàng quá lớn khiến xưởng luôn trong tình trạng kín lịch vì vậy thời gian dành cho việc bán lẻ hầu như là không có. Vì vậy bán lẻ đôi lúc chỉ dành cho khách quen còn lại hầu hết các sản phẩm là các đơn đặt hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước