Đau đáu ca trù Cổ Đạm

Nguyễn Quân - Ngân Bùi-Thứ sáu, ngày 07/02/2025 06:16 GMT+7

Những nghệ nhân đau đáu nỗ lực giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá ca trù của quê hương.

VTV.vn - Từ lâu, vùng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được ví là “đất tổ” của ca trù.

Ca trù Cổ Đạm được giới chuyên gia nghiên cứu về văn hóa đánh giá là có nét riêng về bản sắc với những ca từ, âm vần, nhạc điệu, được thẩm thấu, sàng lọc và cô đọng qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, cho đến nay, ca trù Cổ Đạm vẫn còn nguyên những giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa và xã hội.

Đất tổ ca trù

Tương truyền, "đất tổ" của ca trù là ở xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ghi chép kể lại, xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thủy với tiếng hát cây đàn. Có lần chàng đi sâu vào núi Ngàn Hống gặp được hai vị tên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài, được tiên ông cho một mẩu gỗ ngô đồng và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là đàn đáy, khi cất lên, chim, cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe. Với cây đàn, chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát làm say đắm lòng người mà ngày nay vẫn gọi là ca trù.

Đau đáu ca trù Cổ Đạm - Ảnh 1.

Khu di tích Nguyễn Công Trứ hiện là địa điểm sinh hoạt của các nghệ nhân, ca nương trong Câu lạc bộ Ca trù tại huyện Nghi Xuân.

Có lần, chàng đến châu Thường Xuân (Thanh Hóa). Viên quan châu ở đây tên là Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa, tuổi đã tròn đôi mươi mà chưa biết nói. Khi nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái đang ăn cơm liền lấy đũa gõ vào mâm theo nhịp tiếng đàn. Quan châu cho mời Đinh Lễ vào nhà đàn hát và khi dứt tiếng đàn, Bạch Hoa cất lên được tiếng nói. Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng. Từ đó đất này thịnh hành lối hát gọi là ca trù. Về sau cả hai đều không bệnh về trời. Dân Cổ Đạm lập đền thờ, phong làm tổ sư của ca trù.

Vào thế kỷ XVII, ca trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, ca trù chìm lắng dần. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, với chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các địa phương khác trên cả nước có ca trù, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo về ca trù và cũng bắt đầu từ đây ca trù Cổ Đạm được khôi phục và bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Ngày 1/10/2009, UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những năm tiếp theo được nhiều ban, ngành, địa phương quan tâm khôi phục, ca trù dần có được hơi thở và sức sống mới. Dẫu vậy, trong vòng xoáy của sự nghiệp công nghiệp hóa, chuyển đổi số và sự phát triển đa dạng của các loại hình âm nhạc, ca trù vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong hành trình thoát ra khỏi bảo vệ khẩn cấp.

Nỗ lực bảo vệ di sản

Như thường lệ, vào mỗi chiều thứ 3 hàng tuần, Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ (CLB) lại tập trung sinh hoạt. Những khúc hát ca trù lại được các thành viên CLB cất vang trong không gian Khu di tích Dinh điền sứ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (đóng tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) được xem là người đặt nền móng cho ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân). Sau thời gian bị lãng quên, từ năm 1998, di sản văn hóa ca trù được phục hồi, nhiều thế hệ nghệ nhân, ca nương Nghi Xuân tiếp tục giữ gìn và lan tỏa trong đời sống, trong số đó phải kể đến vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh (SN 1975, Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm) và Trần Văn Đài (Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm).

Đau đáu ca trù Cổ Đạm - Ảnh 2.

Một buổi biểu diễn ca trù của các nghệ nhân, ca nương CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ và CLB Ca trù Cổ Đạm.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống ca trù, những câu hát của các nghệ nhân cổ như cụ Phan Thị Nga, Trần Thị Gia đã ngấm vào máu của Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh. Niềm đam mê với làn điệu ca trù quê hương theo đó cũng "dày" lên theo năm tháng. Nghệ nhân Dương Thị Xanh càng may mắn khi có chồng là Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài cũng cùng chung niềm đam mê và chí hướng.

Năm 2007, với khao khát cháy bỏng giữ gìn, phát huy văn hóa Ca trù, vợ chồng Nghệ nhân Dương Thị Xanh đã đóng cửa hàng kinh doanh, bỏ tiền túi cùng nhau ra Hà Nội học nâng cao kỹ thuật hát Ca trù để về truyền dạy cho các ca nương tại địa phương. Liên tiếp trong 3 năm miệt mài, vợ chồng Nghệ nhân Xanh đã âm thầm cùng nhau thực hiện lý tưởng làm sao để giữ gìn, bảo tồn và phát triển được văn hóa hát ca trù.

Trong không gian văn hóa tôn nghiêm tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ, chúng tôi được thưởng thức những làn điệu của bài ca trù "Hồng hồng tuyết tuyết" do nhóm nghệ nhân CLB thể hiện. Những ca từ sâu lắng, chạm đến tầng sâu xúc cảm. Khi làn điệu ca trù cất lên, cũng là khi nỗi lòng của những người nghệ nhân bày tỏ.

Theo ông Lê Xuân Hải chủ nhiệm CLB ca trù Nguyễn Công Trứ, để giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa ca trù quê hương là cả một quá trình đầy nỗ lực của các thế hệ, nghệ nhân, ca nương khi "nghề không nuôi được nghề". Các nghệ nhân, ca nương tại đây hiện chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ một bậc lương cơ bản. Họ đã bám trụ "nghiệp" ca trù hàng chục năm qua với chế độ hỗ trợ từ những năm một bậc lương cơ bản 400 nghìn đồng cho đến nay. Chưa kể, ca trù được ví là "âm nhạc bác học", là loại hình nghệ thuật kén người nghe, kén không gian biểu diễn gần như khó tiếp cận đối với thế hệ trẻ nên "nghề không nuôi được nghề" lại càng khó khăn trong việc phát triển hơn.

Đau đáu ca trù Cổ Đạm - Ảnh 3.

Hàng tuần, CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ đều tổ chức sinh hoạt đều đặn để nuôi dưỡng, phát triển niềm đam mê ca trù cho các thế hệ trẻ tại địa phương.

Cũng theo ông Hải, hiện, Nghi Xuân có CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ và CLB Ca trù Cổ Đạm đang hoạt động song song. Tổng 2 CLB có khoảng 50 thành viên thường xuyên sinh hoạt. Mặc dù, qua thời gian, cả 2 CLB đều đã đào tạo được rất nhiều thế hệ ca nương yêu và đam mê với làn điệu ca trù nhưng lại có rất ít "người tài" gắn bó ở lại quê hương do không có những cơ chế đãi ngộ.

Cuộc sống "cơm áo gạo tiền" cũng bủa vây những nghệ nhân hiếm hoi của Ca trù Cổ Đạm. Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh cũng đã từng phải gác lại đam mê để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Hay đến thời điểm bây giờ, ngoài những giờ phút "sống trọn" với ca trù vào 2 buổi chiều thứ 3 và thứ 5 sinh hoạt CLB, họ - những nghệ nhân ca trù cũng phải bươn chải với cơm, áo, gạo, tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Những người làm công tác văn hóa ở Hà Tĩnh luôn đau đáu nỗi niềm chung là làm "sống" dậy loại hình nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại. Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Nghi Xuân Nguyễn Long Tiên, để bảo tồn và phát huy ca trù, cần có sự đầu tư xác đáng.

"Cần thành lập Ban bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể Ca Trù. Xây dựng các chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, hạt nhận có nhiều thành tích xuất sắc. Có chính sách hỗ trợ cho những tác giả viết lời mới có chất lượng tốt và đạt giải cao trong các cuộc hội thi, hội diễn cấp tỉnh, Trung ương. Tổ chức quảng bá về ca trù bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, khai thác giá trị ca trù một cách bền vững, phục vụ phát triển kinh tế xã hội", ông Nguyễn Long Thiên nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước