Đất đai vừa là gốc, vừa là tương lai của nông nghiệp tuy nhiên, những năm gần đây, sau một thời gian chạy theo sản lượng và năng suất cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đất canh tác tại nhiều địa phương đang ''kêu cứu'' khi bị bạc màu, ô nhiễm.
Vòng quay của đất cao từ 3-3,5 vụ/năm khiến cấu trúc và lý tính của đất bị phá hủy. Khi bón phân đạm, cây chỉ hấp thụ được 40-60%, còn lại nằm trong đất, chính là chất độc giết chết sức sống của đất. Việt Nam cũng đang thiếu một chiến lược bảo vệ đất canh tác mang tầm quốc gia.
Theo PGS.TS Trần Văn Dũng, Trưởng khoa Khoa học đất, Đại học Cần Thơ: ''Khi có một chiến lược bảo tồn đất đai cấp quốc gia cho từng khu vực thì chúng ta mới có ứng xử phù hợp với từng loại đất, từng vùng đất, không thể nơi nào cũng bón phân như nơi nào được''.
Mong muốn thay đổi cách ứng xử với đất đai chính là sứ mệnh được các doanh nghiệp sản xuất phân bón vào cuộc. Từ chỗ chỉ sản xuất phân bón hóa học, Công ty phân bón Cà Mau đã chuyển một phần sản lượng sang phân bón hữu cơ và sinh học, ứng dụng công nghệ nanogyme giúp chậm phân hủy và cải tạo các thành phần trong đất. So với NPK hỗn hợp 3 màu thì NPK phức hợp một hạt chính là một giải pháp dinh dưỡng bền vững.
Việt Nam tiên phong sản xuất lúa giảm phát thải
Nông nghiệp cũng là lĩnh vực phát thải cao thứ hai sau ngành năng lượng và giao thông vận tải, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia, trong đó khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí metan là từ lúa gạo. Xanh hóa sản xuất lúa gạo đã được Việt Nam tiên phong với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã mở ra những cơ hội mới bền vững hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã được triên khai trên quy mô 180.000 ha ngay vụ đông xuân này ở đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi cánh đồng là hợp sức của những nhân tố tốt nhất để có thể giúp nông dân giảm phân, giảm thuốc, giảm nước tưới, quản lý rơm rạ đúng cách đưa phát thải giảm 30% ngay năm đầu.
Từ sản xuất giảm phát thải, những trạm đo khí để tính toán lượng tín chỉ từ lúa cũng đã được thiết lập. Sau người trồng rừng được nhận tiền bán tín chỉ carbon thì kỳ vọng mới đang đến với nông dân trồng lúa. Việc đẩy mạnh tiến trình trồng lúa và chế biến gạo có chứng nhận phát thải thấp, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.
Ở từng giai đoạn, Việt Nam sẽ cần phải đầu tư từ 1.000 - 3.000USD/ha để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải nhưng lợi ích về mặt giá trị và môi trường sẽ vượt xa chi phí đầu tư. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!