Dấn thân để thực hiện sứ mệnh của báo chí

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 21/06/2020 21:58 GMT+7

VTV.vn - Trước những khó khăn trong thời kỳ mới, những người làm báo tiếp tục dấn thân để thực hiện sứ mệnh cao cả của báo chí nước nhà.

Ngay từ khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, lần đầu tiên truyền thông về nguy cơ đã được triển khai quy mô, bài bản. Tất cả các lực lượng đều vào cuộc với tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Và các nhà báo đã lăn xả vào các điểm nóng theo đúng nghĩa của từ này.

Phan Ý Linh, người từng được đoạt giải thưởng quốc tế phim tài liệu và được đài truyền hình NKH Nhật Bản mua để phát sóng toàn cầu đã viết tâm thư đề đạt nguyện vọng được sản xuất bộ phim tài liệu về COVID - Cuộc chiến tại Việt Nam.

"Tôi chưa bao giờ hỏi mình có đang dấn thân hay không? Giống như là con thiêu thân, chỗ nào có ánh sáng là nó lao vào. Chúng tôi cảm thấy đây là việc mình phải làm và mình hào hứng với nó với tình yêu của mình, với cái nghề của mình" - nhà sản xuất Phan Ý Linh cho hay.

"Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường người khác" - đó là khẩu hiệu nổi tiếng tại những điểm phát hàng hỗ trợ trong dịch COVID-19.

Chứng kiến người thất nghiệp, thiếu cả tiền mua gạo, mua thực phẩm, tổng biên tập của một tờ báo đã có sáng kiến lập ra những chiếc máy phát thực thẩm miễn phí và ngay lập tức ý tưởng này đã dành được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

"Trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không có gì để trang trải cuộc sống. Tôi đã bàn với một số anh em, nên chăng mình làm cái ATM thực phẩm, trong đó ngoài gạo ra thì có trứng, có xúc xích, có mỳ tôm, có các thứ khác để người dân khi nhận phần quà này về, lập tức có bữa ăn và có sức khỏe thì mới chống dịch được" - nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho hay.

Tinh thần dấn thân của những người làm báo tiếp tục được viết tiếp trong những ngày cao điểm cả nước đồng lòng chống dịch COVID-19. Báo chí đã trở thành cầu nối giữa ý chí, quyết tâm của Đảng và Chính phủ với sự đồng lòng, đoàn kết vượt qua dịch bệnh của nhân dân.

Không có gì ngạc nhiên, khi khảo sát của các tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch của Chính phủ và tin vào truyền thông nước nhà.

Niềm tin ấy đã xóa tan những ấn tượng không tốt khi có một thời gian, xu hướng thông tin kiểu câu view được một số tờ báo khai thác như một giải pháp kinh tế; rồi tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã làm tổn thương uy tín của báo chí đối với xã hội.

Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: "Nhận thức được vấn đề đạo đức làm nghề là vấn đề cốt lõi, là vấn đề có tính nền tảng cho nên Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức của người làm báo Việt Nam, trong đó có 1 điều rất quan trọng. Đó là làm báo phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật và không dùng nghề để vụ lợi, còn việc "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" - đó là một biểu hiện của việc dùng nghề để vụ lợi. Đăng lên rồi dọa đăng tiếp và bây giờ muốn gỡ đi thì phải lễ độ, phải gặp gỡ, phải trao đổi, tất cả những cái đó nó đều cài cắm lợi ích không trong sáng".

Báo chí sẽ luôn chiếm lĩnh được niềm tin của xã hội khi đề cao những giá trị cốt lõi của mình. Đó là thông tin trung thực, có trách nhiệm, chống lại tin xấu độc để lan tỏa năng lượng tốt trong cộng đồng… Và làm nên những giá trị ấy, đó chính là năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần dấn thân vì nghề nghiệp những người làm báo nước nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước