Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:

Đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống các quy hoạch

Thu Trà-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 21:38 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng nay (25/10), Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành và đánh giá cao các nội dung được đề cập trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn, một số đại biểu cho rằng để khắc phục các hạn chế trong phát triển đô thị hiện nay cần xác định rõ cấu trúc đô thị và thống nhất cơ quan chủ trì lập quy hoạch.

Đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống các quy hoạch - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam)

"Tôi cho rằng quy hoạch phải đi trước, làm định hướng kim chỉ nam cho việc quản lý phát triển hệ thống đô thị, chứ không chỉ là ghi nhận lại thực trạng phát triển đô thị một cách tự phát và còn tương đối manh mún, lộn xộn như hiện nay. Do đó, trong luật này cần phải bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị", bà Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc đối với quy định lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng dân cư đối với quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân: "Các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là các bước cụ thể hóa quy hoạch chung mà từ bước lập quy hoạch chung đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thẩm định trình phê duyệt theo quy định. Do vậy, đối với nội dung các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần quy định theo hướng giảm bớt thủ tục lấy ý kiến rộng rãi, không làm kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch".

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết các khái niệm "nội thành", "ngoại thành", "ngoại thị" không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác. Liên quan đến thẩm quyền giải quyết mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn, trường hợp cùng cấp độ thì cơ quan phê duyệt hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn sẽ quyết định. Trường hợp khác cấp độ, các cơ quan lập quy hoạch rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh theo quy định tại luật này.

* Chiều nay, thảo luận về dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), một số đại biểu tán thành quan điểm không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng để tránh trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể danh mục các giao dịch phải công chứng nhằm bảo đảm minh bạch khi áp dụng pháp luật, đồng thời đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả 2 loại ý kiến để chỉnh lý nội dung này.

Nhiều đại biểu đồng tình việc mỗi phòng công chứng, mỗi văn phòng công chứng phải có từ 2 công chứng viên trở lên. Tuy nhiên, đối với những địa bàn khó khăn, đồng bào dân tộc thì đề nghị chỉ có một công chứng viên là đủ. Cũng có ý kiến đề nghị không đánh đồng việc xã hội hóa hoạt động công chứng. Những phòng công chứng của nhà nước nếu có nguồn thu tốt, nộp ngân sách lớn thì xem xét không thực hiện xã hội hóa.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước