Trước cửa một nhà vệ sinh công cộng gần Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, vào những ngày cuối tuần, nhu cầu sử dụng rất lớn nhưng số lượng phòng vệ sinh công cộng lại ít. Vì vậy, cảnh xếp hàng thường xuyên diễn ra.
Những ngày cuối tuần, khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm đón hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến. Nếu đang ở trên phố, người dân sẽ sử dụng nhà vệ sinh công cộng khi có nhu cầu. Nếu không, họ buộc phải ghé vào quán nước hoặc nhà hàng nào đó mua đồ rồi tranh thủ sử dụng nhà vệ sinh ở đó. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, người dân có thể thoải mái sử dụng nhà vệ sinh của các nhà hàng, quán ăn trên đường phố.
Chuyện nhà vệ sinh công cộng không chỉ là vấn đề tại các khu phố cổ. Các khu đô thị mới như Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy… có hàng chục tòa chung cư, cùng lưu lượng người dân đi lại, hoạt động ở các khu vực công cộng rất lớn nhưng nhà vệ sinh công cộng hầu như vắng bóng. Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, cần tính đến việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở tầng ngầm các tòa nhà cao tầng trong quá trình quy hoạch.
Hiện thành phố Hà Nội có khoảng 400 nhà vệ sinh công cộng. Sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh cũ, bổ sung thêm các nhà vệ sinh mới ở những điểm công cộng còn thiếu, lập chỉ dẫn để người dân và du khách tiếp cận, sử dụng… Nhiều giải pháp cần được Hà Nội khẩn trương tính toán để tránh trường hợp, chỗ thì thiếu nhà vệ sinh, chỗ thì nhà vệ sinh có nhưng đã chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc trở thành nơi để mọi người xả rác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!