Thực tế này đòi hỏi các đơn vị thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng vệ, cảnh giới tại khu vực công trường để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Hà Nam.
Cuối năm 2020, một đoàn tàu hàng đã bị trật bánh ở Hà Nam khi đang trên đường từ ga Sóng Thần, Bình Dương về Ga Giáp Bát, Hà Nội. Dù không có thương vong về người nhưng sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ. Điều đáng nói khu vực xảy ra sự cố là đoạn đường đã được bàn giao để thi công cải tạo theo gói dự án 7.000 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đảm bảo an toàn trong điều kiện vừa thi công cải tạo vừa khai thác chạy tàu không chỉ là thi công đúng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ hay biện pháp tổ chức thi công đã được phê duyệt. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp với các công ty quản lý đường sắt, công ty thông tin tín hiệu để nắm bắt thông tin khi có các chuyến tàu chạy bất thường.
Để đảm bảo triển khai đồng loạt nhiều gói thầu, dự án có sự tham gia của cả các đơn vị trong và ngoài ngành đường sắt nên kiến thức chuyên sâu và sự am hiểu về đảm bảo an toàn không đồng đều.
Hiện trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có hàng trăm điểm thi công cải tạo nâng cấp, trong đó có cả những đoạn đường chính tuyến, đường trong ga, cầu, hầm và cả khu vực đường ngang. Tuy nhiên, với việc phối hợp kiểm tra giám sát chặt chẽ từ các đơn vị quản lý và nhà thầu thi công, những sự cố gây mất an toàn đã được giảm thiểu. Công tác chạy tàu trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác sử dụng khá ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!