20 giờ tối ngày 9/3, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Đái tháo đường nguy hiểm khi mắc bệnh hô hấp" với sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Nội tiết - Đái tháo đường và Nội tổng hợp:
BS.CKII Trần Thùy Ngân, nguyên Phó trưởng khoa điều hành khoa Nội tiết, BV Nguyễn Trãi, hiện là bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
BS.CKI Trần Đông Hải từng công tác tại nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện 30-4, Bệnh viện Thống Nhất và hiện là bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
BS.CKII Mã Thanh Phong: gần 20 năm kinh nghiệm điều trị các bệnh hô hấp tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Hiện bác sĩ Mã Thanh Phong đang làm việc tại khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Với hàng chục nghìn khán giả theo dõi chương trình, các bác sĩ tư vấn tận tình, giúp người dân giải đáp các thắc mắc về tình hình bệnh đái tháo đường hiện nay, người bệnh tiểu đường mắc bệnh hô hấp nguy hiểm như thế nào, cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả.
Đái tháo đường tăng nguy cơ viêm phổi 6% - 25%
Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam thống kê cả nước có hơn 5 triệu người bị tiểu đường, trong đó 50% trường hợp không biết mắc bệnh. Và khi phát hiện ra bệnh chỉ có 20% - 30% người bệnh tham gia điều trị. Bác sĩ CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cảnh báo: người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát đường huyết tốt thì lượng đường trong máu luôn tăng cao. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, khiến cơ thể dễ nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm, Covid-19,…
Bác sĩ CKII Trần Thùy Ngân khuyên người dân đi khám tầm soát tiểu đường để điều trị kịp thời, hiệu quả.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, trên thế giới, cứ 30 giây lại có một người bị mất một chi do các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Đồng thời, đái tháo đường làm tăng nguy cơ viêm phổi từ 6% - 25%.
Viêm phổi ở người bệnh đái tháo đường có mức mức độ biến chứng cao, diễn tiến nặng suy hô hấp nhanh, điều trị khó khăn và kéo dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy người bị đái tháo đường viêm phổi có khả năng tử vong cao gấp 3 lần.
Đặc biệt, khi bị COVID-19 kết hợp với đường huyết cao, người bị tiểu đường dễ chuyển nặng, rơi vào cơn bão Cytokin, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), suy gan, suy thận, thần kinh…. Nhiều trường hợp phải thở máy, điều trị kéo dài 2-3 tháng. Các nhà nghiên cứu của Đại học Aberdeen (Anh) nhận định người bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong hơn 1,87 lần và khả năng phải chuyển vào khoa ICU cao 1,59 lần so với người không bị tiểu đường.
Tại Việt Nam, hơn 25% số bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19. Đồng thời, đa số người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.
Điều trị phối hợp đa chuyên khoa
Theo bác sĩ CKI Mã Thanh Phong, khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, các bệnh hô hấp gồm: cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản cấp, lao phổi, viêm phổi mô kẽ, COVID-19, suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)...
Bác sĩ CKI Mã Thanh Phong cảnh báo người bệnh tiểu đường khi bị bệnh hô hấp dễ chuyển nặng, nguy kịch tính mạng.
Cơ thể có hệ thống miễn dịch chẳng hạn như tế bào niêm mạc, tế bào lông… có khả năng ngăn cản tác nhân gây bệnh. Nhưng ở người bệnh lớn tuổi hay người bị các bệnh mạn tính (tiểu đường, suy thận, suy tim… ), hệ thống miễn dịch hoạt động không hiệu quả dẫn đến dễ mắc các bệnh hô hấp, nhiễm trùng, truyền nhiễm. Trong quá trình bị cảm cúm, ho, viêm họng, nhiễm trùng, cơ thể đáp ứng bằng cách tăng chất kháng viêm, làm đường huyết khó kiểm soát hơn. Ngoài ra, việc tự ý mua thuốc ở các tiệm thuốc tây, dùng thuốc không đúng cách, không theo chỉ định của bác sĩ cũng khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề, đường huyết tăng cao. Sự kết hợp giữa nhiễm trùng và đường tuyết tăng cao khiến người bệnh rơi vào suy hô hấp, nguy kịch tính mạng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, điều trị bệnh hô hấp cho người bệnh đái tháo đường có nhiều khó khăn hơn người bình thường bị bệnh hô hấp. Trong quá trình điều trị viêm phổi, viêm phế quản… người bệnh được dùng một số loại thuốc làm tăng đường huyết. Do đó, luôn cần có sự phối hợp giữa bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường và khoa Nội Tổng hợp để dùng kháng sinh phù hợp, vừa kiểm soát tốt đường huyết, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.
Bác sĩ Hải nhấn mạnh, trường hợp người bệnh đái tháo đường bị các bệnh hô hấp nhưng không điều trị sớm, đúng cách… dẫn đến nhiễm trùng huyết, biến chứng toan ceton (tình trạng máu tồn đọng nhiều axit), tăng áp lực thẩm thấu máu… cần được theo dõi tích cực ở khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU) để kiểm soát tốt các chỉ số hiệu sinh: nồng độ oxy máu, huyết áp, nhịp thở… Lúc này, không chỉ cần sự theo dõi của các bác sĩ mà còn có sự hỗ trợ của trang thiết bị máy móc hiện đại, bảo vệ sức khỏe người bệnh đến từng giây.
Bác sĩ CKI Trần Đông Hải chia sẻ điều trị đái tháo đường khi mắc các bệnh hô hấp cần có sự phối hợp đa chuyên khoa.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả điều trị cao, người bệnh cần được phối hợp với khoa Dinh dưỡng - Tiết chế để lên thực đơn, cá thể hóa khẩu phẩn ăn phù hợp với từng người bệnh; dịch vụ chăm sóc vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập cải thiện sức khoẻ. Bởi mỗi người bệnh tiểu đường cần đạt mục tiêu đường huyết khác nhau, chỉ số khối cơ thể và chế độ vận động khác nhau. Việc cân bằng giữa chế độ ăn và dùng thuốc, vận động giúp người bệnh hồi phục sức khỏe tốt, sớm trở về cùng người thân, bạn bè.
Tiêm vaccine cúm để ngừa bệnh tốt hơn
Bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân cần đi khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều chỉnh đường huyết ổn định. Với người bệnh đái tháo đường, cần kiểm soát đường huyết tốt và ổn định để giảm nguy cơ chuyển nặng và biến chứng. Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay chữa bệnh theo cách dân gian và tái khám định kỳ để kiểm tra da, sức khỏe tổng thể, chỉ số đường huyết. Tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất, tuần hoàn máu.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bị tiểu đường không nên kiêng khem quá mức dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, gây khó khăn trong điều trị. Thay vào đó, cần ăn uống đa dạng, cân bằng các loại thực phẩm theo lời dặn của bác sĩ để đảm bảo năng lượng cho hoạt động hàng ngày, vừa kiểm soát đường huyết. Cụ thể: hạn chế tinh bột (cơm, bún, phở…), thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn…), tăng cường nguồn acid béo không bão hòa (cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng…), rau xanh (rau cải, mướp, súp lơ xanh…) và trái cây ít ngọt (cam, sơ ri, mận, bưởi…). Ngoài ra, nên chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày) để tránh tăng đường huyết sau mỗi bữa.
Bác sĩ Phong cảnh báo, người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là người lớn tuổi khi bị cúm A, cúm B thường dễ chuyển biến nặng hơn so với các loại cúm thông thường. Do đó, nên chích ngừa cúm A, cúm B để phòng ngừa nhiễm bệnh và chuyển nặng. Nếu người bệnh đã bị nhiễm cúm nên đợi sức khỏe hồi phục, khỏe mạnh rồi tiêm vắc xin cúm.
Liên quan đến các thắc mắc nên đi khám ở đâu? Ai nên tầm soát đái tháo đường? Bác sĩ Hải cho biết bất kỳ ai cũng có thể bị tiểu đường, trong đó, người béo phì, tiểu đường thai kỳ, u nang buồng trứng, trên 40 tuổi… có nguy cơ cao hơn cả. Thực tế hiện nay nhiều người bệnh tiểu đường ở độ tuổi rất trẻ (20-30 tuổi). Bệnh tiểu đường nặng hay nhẹ tùy thuộc vào kiểm soát đường huyết có ổn định không. Nếu chúng ta kiểm soát tốt đường huyết thì chất lượng cuộc sống giống người bình thường; ngược lại, mọi cơ quan sẽ bị tổn thương, sức đề kháng suy giảm… dễ bị bệnh hô hấp, nhiễm trùng, chuyển biến xấu nhanh chóng, nguy hiểm tính mạng.
Để kiểm soát tốt đường huyết, tránh lo lắng, hoang mang về chỉ số đường huyết khác nhau ở mỗi cơ sở xét nghiệm, bác sĩ Hải khuyên người bệnh đái tháo đường nên lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín với trang thiết bị hiện đại để theo dõi sức khỏe, tái khám định kỳ. Bởi, các xét nghiệm ở các cơ sở khác nhau có thể cho kết quả khác nhau, dẫn đến điều trị không chính xác.
Trong thời lượng gần 2 tiếng diễn ra chương trình, ngoài cung cấp những thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe người bệnh đái tháo đường, hướng dẫn phòng ngừa, các chuyên gia của Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh còn chỉ ra hàng loạt sai lầm của người bệnh trong quá trình điều trị khiến sức khỏe suy kiệt, tính mạng nguy kịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!