Đại dịch COVID-19 khiến nhiều đô thị không còn là nơi "đất lành chim đậu"

Hồng Anh, Hồ Trí-Thứ hai, ngày 22/02/2021 12:27 GMT+7

VTV.vn - Ly hương tìm sinh kế, rồi lại hồi hương vì giấc mơ không thành. Liệu hành trình di cư ngược có dẫn tới một điểm đến an lành?

Làn sóng ly hương từ các vùng quê nghèo

Biến đổi khí hậu khiến cho những mùa vụ ở miền Tây ngày càng trở nên thất thường. Dòng người ly hương lên thành thị mưu sinh đã từng lan ra khắp các vùng nông thôn.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều đô thị không còn là nơi đất lành chim đậu - Ảnh 1.

Những cánh đồng trơ gốc rạ, những căn nhà khóa cửa, xóm làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ, những hình ảnh này không khó gặp ở các vùng nông thôn vài năm gần đây. Do không có đất sản xuất hoặc có nhưng những mảnh đất cằn cỗi vốn không thể "nở hoa" hay không có việc làm và thu nhập không ổn định, những năm gần đây, nhiều người đã rời bỏ quê hương đến các thành phố lớn tìm kiếm việc làm. Lũ lượt ra đi để tìm sinh kế, họ bỏ lại sau lưng những thửa ruộng hoang hóa, còn hành trang mang theo chính là những ước mơ được thoát nghèo.

Bà Bùi Thị Cúc, Xã Đông Thái, Huyện An Biên, Tỉnh Kiên Giang có 11 người con, 4 trai 7 gái, lần lượt lập gia đình và cũng lũ lượt bỏ xứ ra đi. Ra đi bởi nếu bám quê, bám đất làm lúa và nuôi tôm, cuộc sống e không thoát được kiếp nghèo.

Làm ngày không đủ tranh thủ làm cả đêm. Ngoài cánh đồng, tiếng máy bơm xé toạc khoảng không để mong nghèo không vận vào mình. Còn bên trong, những mái nhà cũng đang tiếp diễn cuộc chia ly. Những chuyến xe gói ghém ước mơ thoát nghèo lăn bánh nhiều hơn và dần trở thành những làn sóng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, gần 14% dân số cả nước là người di cư, con số này đã tăng gần 6% so với thời điểm cách đây 10 năm trước. Trong đó, 80% người di cư là từ nông thôn.

Nơi diễn ra tình trạng di cư nhiều nhất được ghi nhận là khu vực miền Trung với tỉ lệ 20%, đồng bằng sông Cửu Long là hơn 18%.

Di cư ngược tìm sinh kế

Làn sóng ly hương suốt những năm qua được nhắc tới như một xu hướng. Tuy nhiên, không phải xu hướng nào cũng mang lại những kết quả tốt đẹp. Những ánh đèn đủ màu sắc nơi đô thị vốn không thể làm "lấp lánh" tất cả những cuộc đời tìm đến đây. Thế nên, người ta mới có cụm từ "thành phố hoa lệ". Những người tìm thấy hoa thì ở lại, còn mang lệ thì trở về quê nhà.

Khi giấc mơ không thành, thay vì tiếp tục dáo dác tìm phương hướng, họ hồi hương. Trở về quê, đồng nghĩa, trở lại đúng cái nghề đã vắt cạn sức lực của mình. Dù chưa thể an nhàn và sung túc nhưng quê hương vẫn đủ sức bao bọc và nuôi sống cả gia đình.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều đô thị không còn là nơi đất lành chim đậu - Ảnh 2.

Chị Chhim Sree, Xã An Phú, Tịnh Biên, An Giang chia sẻ, vợ chồng chị lên thành phố làm mấy tháng không dám xài, không làm gì hết mà vẫn thấy không có dư. Chồng bàn với chị đi về quê, ở nhà khó khăn thế nào anh cũng làm được và thấy không đâu bằng nhà mình.

Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời. Chắt chiu từng giọt nước cũng giống như cách chắt chiu từng cơ hội. Lòng kiên trì không phải tự dưng mà đến.

Thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Những cơn mưa bất chợt như thử thách lòng người. Sự tiếp sức ngắn ngủi chỉ đến trong những bữa cơm vội. Thời gian đồng nghĩa với thu nhập nên sự trễ nải là không được phép. Không gì có thể ngăn nổi quyết tâm của người trụ cột gia đình.

Khó tìm kiếm công việc ổn định khi hồi hương

Chuyện người dân đi lại, trao đổi lao động giữa các địa phương là bình thường. Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc người dân Tây Nam Bộ đã di cư đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ diễn ra trong hơn 10 năm qua không còn là quy luật bình thường nữa. Bởi nó thể hiện sự kém bền vững về sinh kế ở nhiều địa phương. Bằng chứng là đến nay, khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt, làn sóng di cư ngược đã phải chứng kiến thực tại phía sau những chuyến hồi hương. Không ít trong số đó là những câu chuyện được, mất nghe đến nao lòng.

Chẳng lạ những chuyến xe nhưng chuyến này thật chẳng ngờ. Dù rảo bước cũng không thể nhẹ lòng. Khi những gánh nặng mang theo là quá lớn. Ít khi trở về nhà vào ban đêm, vì sợ làm cha mẹ thức giấc. Nhưng lần này, cha mẹ lại không thể ngủ, vì chính cái nỗi sợ con mang về.

Ở nhà cũng hết việc, dịch bệnh cũng không biết làm gì để sinh sống. Không nề hà, nhưng hơn 1 tháng, anh Học ở xã Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp mới xin được việc. So với làm công nhân trên phố, tiền công ở đây vừa thấp, lại nhọc, lúc có, lúc không.

Anh chi sẻ, lên thành phố cũng tính đổi đời được phần nào nhưng ước mơ không thành nên đành phải trở về quê hương.

Mang theo ước mơ giàu sang nhưng lại đem về hiện thực thất bát - thứ tình cảnh không ai muốn lâm vào. Đứa con út của bà Đặng Thị Vân ở Đồng Tháp là niềm tự hào của gia đình, khi tiền lương 1 năm cậu kiếm được trên thành phố bằng cả nhà làm lụng suốt năm nhưng nay phải trở về là cả sự miễn cưỡng.

COVID-19 bị nghỉ việc, sa thải, kiếm việc làm mà không có. Nỗi tủi hổ, bất lực, mang tên ăn bám khiến ông buộc phải chấp nhận cô đơn. Hàng tháng trông chờ vào đồng trợ cấp quá mức ít ỏi, lúc có, lúc không do con gửi về.

Ai cũng từng có thanh xuân. Ai cũng từng mơ ước. Chọn nỗi buồn hay với tạm niềm vui, với người trẻ, sức lực có lẽ là liều vaccine hữu hiệu nhất.

Lạc quan tìm lối rẽ khi hồi hương

Giấc mơ không thành lúc ly hương, những cũng chênh vênh lúc hồi hương. Khó khăn vì đại dịch COVID-19 là tình cảnh chung, trong hoàn cảnh ấy, có người rầu rĩ với nỗi buồn nhưng cũng có người mang sự lạc quan tìm một lối rẽ.

Vừa bùng phát dịch, Vũ, Chủ tài khoản youtube Đen râu Vlog, nghĩ tới YouTube. Anh em về quê chỉ có cái điện thoại. Hỏng thì làm lại, không sắp đặt, không tính toán, mọi thứ cứ tự nhiên và nghiệp dư như thế. Thất nghiệp về quê vốn chẳng hiển vinh gì nhưng nó lại là cơ hội để Vũ thử sức cho đam mê của mình. Đó cũng điều Vũ khao khát, cho dù anh biết, đường đi đến thành công khác và khó hơn đường về nhà.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều đô thị không còn là nơi đất lành chim đậu - Ảnh 3.

Vũ cho biết đã làm Youtube được hơn 5 tháng rồi nhưng doanh thu của em có được 15 USD. Tuy vậy, Vũ vẫn hãnh diện vì điều đó bởi làm gì cũng từng bước chứ không thể một bước mà lên cao được nên phải làm từ từ để được mọi người công nhận.

Khi sự công nhận khó có thể tìm kiếm ở nơi xa xôi, quê hương vẫn luôn là nơi ấm áp nhất để tìm về.

Trong suốt 1 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta nhìn nhận một thực tế rằng, nhiều đô thị hiện giờ đã không còn là "đất lành cho chim đậu". Những chuyến hồi hương sẽ dần trở nên tất yếu. Hành trình di cư ngược sẽ đem lại điều gì? Tương lai chưa ai rõ, chỉ biết, quê hương không bao giờ từ chối những đứa con trở về.

Năm nay, Bình sẽ đi học thêm nghề nấu ăn. Anh mong muốn có thể mở được một nhà hàng nhỏ ở chính quê hương mình.

Để tiện chăm sóc cha mẹ già, anh Học sẽ không lên lại thành phố. Anh đang học thêm công việc lái xe để có được công việc ổn định và có thu nhập cao hơn nghề thợ hồ.

Tết năm nay do kinh tế khó khăn, các con ông Khánh đều không về quê. Ông mong mỏi xin được việc làm ở quê, tích cóp đủ tiền sửa sang căn nhà để năm sau đón các con về ăn Tết…

Nhận được sự ủng hộ của gia đình, Vũ vẫn đang tiếp tục học hỏi để phát triển kênh YouTube Đen râu Vlog với hàng chục nghìn người theo dõi mỗi lượt.

Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, cuộc sống của gia đình anh Diên đã bớt khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, anh chị đã được tặng một căn nhà mới khang trang để ổn định cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước