Hình minh họa. Ảnh: Đình Tăng
Theo báo cáo nhanh số 409/BC-CQTT ngày 30/10 của Bộ Tham mưu - Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 30/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 30.464 tàu/161.564 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh. Trong đó có 72 tàu/620 lao động hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Quảng Ngãi 57 tàu/515 lao động; Bình Định 15 tàu/105 lao động).
Triển khai ứng phó với bão số 7, Bộ Quốc phòng đã có công điện số 44/TK ngày 29/10/2022 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến bão. Đồng thời, 13/19 tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão.
Ngoài ra, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 31/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Tại khu vực Trung Bộ, từ ngày 29-31/10, mực nước triều tại khu vực ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi duy trì ở mức cao. Độ cao sóng trong 3-5 ngày tới duy trì ở mức 2-4m, có lúc trên 4m, biển động. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp và nguy cơ sạt lờ bờ biển.
Tại khu vực Nam Bộ, từ ngày 30-31/10, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao, dao động 4,2-4,3m. Mực nước triều ở mức cao tại khu vực ven biển Nam Bộ duy trì trong khoảng từ 1-4 giờ và từ 13-17 giờ. Tại các khu vực trong đất liền đỉnh triều sẽ xuất hiện trễ hơn 1-3 giờ, tùy thuộc từng khu vực. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão số NALGAE, gió mạnh, sóng lớn trên biển; cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện tàu thuyền. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!