Mưa nhưng đất canh tác trong vườn vẫn khô ráo. Thoạt nhìn, đây như là điều lạ nhưng đó lại là chuyện hết sức bình thường với Đà Lạt, khi giờ đây, hầu như khu vườn nào cũng phủ kín bởi nhà kính.
Nhà kính này liền kề nhà kính kia. Nước mưa đổ dồn vào máng nước giữa các nhà kính. Đến lượt, các máng nước lại dồn hết nước mưa xuống các mương, các con suối ở Đà Lạt.
Đà Lạt chiều ngày 1/9 vừa qua, người dân không kịp trở tay còn du khách thì cũng trở tay không kịp, nhiều tuyến phố ở Đà Lạt bị ngập nặng.
Ngập lụt trên phố núi Đà Lạt do nhiều nguyên nhân và tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn vào nhà kính, nhưng rõ ràng, tăng 'nóng' nhà kính chính là tác nhân gây gia tăng ngập lụt.
Câu hỏi đặt ra, vì sao không kiểm soát phát triển nhà kính ngay từ đầu để rồi bây giờ Đà Lạt hứng chịu nhiều hệ lụy?
Nhiều nông hộ không có tiền cũng phải vay tiền để làm nhà kính với mức đầu tư mỗi sào 200 triệu đồng. Ồ ạt đầu tư nhà kính vì cho rằng, nhà kính chính là công nghệ cao. Sự đánh đồng này khiến cho đến lúc này, trong 10 ngàn ha đất canh tác ở Đà Lạt thì đã có hơn 2.500 ha nhà kính.
Từ năm ngoái, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố kiểm tra xử lý tình trạng công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Riêng đối với thành phố Đà Lạt, có đến 74 ha nhà kính trên đất lâm nghiệp buộc phải tháo dỡ. Thực tế cho thấy, ngay cả việc tháo dỡ nhà kính trên đất lâm nghiệp, để làm được các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu thiếu quy hoạch hợp lý, thiếu những quy định cụ thể trong xây dựng nhà kính, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ thì những đề xuất giảm nhà kính ở Đà Lạt vẫn chỉ là đề xuất. Và người Đà Lạt vẫn còn đó nỗi lo ngập lụt trên phố nủi - điều mà trước đây hiếm khi xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!