Theo báo cáo tại lễ công bố, phạm vi thực hiện đề án chống ùn tắc giao thông bao gồm toàn bộ địa giới TP Đà Lạt và một số vùng phụ cận. Bên cạnh đó, Sở cũng công bố quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 bãi đậu xe kết hợp bến xe ngoại thành TP Đà Lạt, khu vực ngã ba Đarahoa (huyện Lạc Dương), bãi đậu xe đầu đèo Prenn (phường 3, TP Đà Lạt) và xã Hiệp An (huyện Đức Trọng).
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP Đà Lạt vào các giờ cao điểm, dịp lễ, tết
Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cho biết, Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt gồm 5 nhóm giải pháp chính là phát triển tích hợp đô thị, giao thông và du lịch; thay đổi đặc tính nhu cầu giao thông (về thời gian di chuyển, phương thức, tuyến đường và điểm đến); quản lý, vận hành hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải thông minh, linh động và hiệu quả; đảm bảo tài chính bền vững; hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước,...
Mục tiêu của đề án đặt ra là đến năm 2025 sẽ giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông trong các giờ cao điểm, dịp lễ, tết và định hướng đến năm 2035, không còn tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo hoạt động giao thông an toàn, thông suốt và quản lý, khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại và linh hoạt." ông Hiệp chia sẻ.
Trước đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, thiết thực, khoa học của các chuyên gia trong nước nhưng đảm bảo phù hợp với các quy định, quy hoạch, định hướng, tình hình thực tế cũng như đặc thù riêng của TP Đà Lạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại lễ công bố
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành địa phương bám sát theo nhiệm vụ đã được phân công trong Đề án, nội dung được phân công trong danh mục dự án và cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, công trình, dự án. Song song với đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án, tạo sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án thành phần trong Đề án này.
Kinh phí để thực hiện đề án này là 3.793 tỷ đồng, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng đề án chống ùn tắc giao thông thông minh theo mô hình Hàn Quốc, phía Hàn Quốc sẽ tài trợ cho Lâm Đồng một khoản kinh phí để đầu tư cho đề án này. Ông S cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động tối đa mọi nguồn kinh phí từ trung ương đến địa phương và từ các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện Đề án.
Các đại biểu tham quan bản đồ quy hoạch bãi xe
Tại buổi làm việc, Sở Giao thông Vận tải cũng đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 bãi đậu xe kết hợp bến xe khu vực ngã ba Đarahoa ( huyện Lạc Dương), bãi đậu xe đầu đèo Prenn ( phường 3, TP Đà Lạt) và xã Hiệp An ( huyện Đức Trọng); trong đó bãi đậu xe đầu đèo Prenn ở phía đầu TP Đà Lạt từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lên.
Bãi đậu này có diện tích trên 38ha với quy mô công xuất phục vụ khoảng 790 chỗ đậu xe bus, 122 chỗ đậu xe minibus và 200 chỗ đậu xe taxi, xe con, phục vụ khoảng 33.800 người. Bãi đậu xe kết hợp bến xe tại ngã ba Đarahoa ở cửa ngõ TP Đà Lạt từ hướng TP Nha Trang lên. Bến xe kết hợp bãi đậu xe này có quy mô diện tích 36,6ha; công xuất phục vụ 817 chỗ đậu xe bus, 83 chỗ đậu xe minibus và 60 chỗ đậu xe taxi, xe con, phục vụ khoảng 34.700 người.
Cũng trong buổi công bố, liên danh các đơn vị tư vấn đã trình bày 2 đề án quy hoạch chi tiết bãi đậu xe Đarahoa, bãi xe đầu đèo Prenn. Theo đó, mục tiêu chính là hình thành các khu vực đậu xe kết hợp nhà ga tập trung với các tiện ích đô thị góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho TP Đà Lạt, đồng thời giảm thiểu lượng xe cơ giới vào trung tâm TP Đà Lạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!