Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với độ lớn 7,8 và dư trấn với độ lớn 7,5 vào thứ Hai tuần trước, đã có gần 26 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất được coi là lớn nhất trong rất nhiều năm qua ở khu vực này. Tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 31 nghìn người thiệt mạng trong trận động đất gây thương vong nặng nề nhất ở nước này kể từ năm 1939 đến nay. Hơn 12 nghìn tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Hiện hơn 32.000 nhân viên cứu hộ ở nước này vẫn đang tích cực đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn còn có sự tham gia của gần 8.300 nhân viên cứu hộ từ các nước. Để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai phối hợp cùng nhiều quốc gia khác.
Đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam gồm 24 chiến sĩ tinh nhuệ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm từng tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ đã di chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ bằng chuyên cơ từ thứ 5 tuần trước. Mấy ngày qua, Đoàn thực hiện nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman, là 1 trong 3 vùng bị thiệt hại nặng nhất trong thảm họa động đất cách đây đúng một tuần tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng ngay trong chiều nay, đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng cũng đã đến sân bay Istabul và di chuyển đến thành phố Hatay, là vùng bị thiệt hại nặng. Đoàn gồm có 76 cán bộ chiến sĩ. Trong đó, Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần có quân số 30 người; Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh gồm 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ đội Biên phòng có 9 người và 6 chó nghiệp vụ.
Không chỉ cử đội cứu hộ, cứu nạn, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã trao tặng 2 tấn thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lữ đoàn Vận tải 971 thuộc Cục Vận tải đã vận chuyển, tập kết toàn bộ 35 tấn vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, toàn bộ số vật chất hậu cần gồm: 10 tấn lương khô; 13,5 tấn lương thực, thực phẩm; 1,3 tấn dụng cụ cấp dưỡng; 2,2 tấn trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và 3 tấn vật tư doanh trại.
Đây là không phải là lần đầu tiên lực lượng quân đội và công an Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Trong những năm gần đây, lực lượng này có thêm nhiều kinh nghiệm sau khi tham gia các hoạt động về y tế và công binh tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng đang tích cực góp một phần nhỏ bé vào nỗ lực chung của cộng động quốc tế, hỗ trợ hàng triệu người dân của một quốc gia khi gặp phải thảm họa thiên tai. Đó không chỉ là nghĩa cử, trách nhiệm mà còn là truyền thống tốt đẹp "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam.
Cùng cập nhật thông tin về hoạt động tham gia cứu hộ cứu nạn của các cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ với các khách mời:
- Ông Đỗ Sơn Hải, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ
- Ông Nguyễn Vĩnh Hòa, Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Phát triển, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!