Cường độ bão số 4 đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so với dự báo ban dầu

Tổng cục Khí tượng thủy văn-Thứ tư, ngày 28/09/2022 11:24 GMT+7

VTV.vn - Sau khi hình thành ở vùng biến Philippines mạnh cấp 16, siêu bão Noru hướng về Việt Nam và trở thành cơn bão số 4. Sáng 28/9, bão đổ bộ khu vực giữa Đà Nẵng-Quảng Nam.

Diễn biến và công tác dự báo

a) Tóm tắt diễn biến của bão số 4 (Noru)

- Bão Noru hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines, mạnh cấp siêu bão (cấp 16) trước khi đổ bộ vào Philippines ngày 25/9.

- Sáng 26/9, bão Noru suy giảm cường độ xuống cấp 12, giật cấp 15 và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.

- Sáng 27/9 khi di chuyển tới khu vực phía Nam của quần đảo Hoàng Sa bão mạnh lên cấp 14-15, giật trên cấp 17.

- Khoảng thời gian 03-05giờ ngày 28/9 bão đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng-Quảng Nam.

Những ảnh hưởng của bão số 4

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4: tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Lượng mưa tính từ 07h/27/9-08h/28/9: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam phổ biên 200-400mm, đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 682mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 575mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế 481mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 459mm,…; Quảng Bình, Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên 100-200mm.

Tại trạm hải văn Sơn Trà đã ghi nhận mực nước cao nhất 2,4m (lúc 0h ngày 28/9), cao hơn trong bão Xangsane 9/2006 (2,38m). Nước dâng do bão lớn nhất đã ghi nhận được tại trạm Sơn Trà (Đà Nẵng):1,2m; trạm Lý Sơn (Quảng Ngãi): 1,1m, trạm Cồn Cỏ (Quảng Bình): 0,62m. Nước dâng do bão kết hợp với thủy triều đã gây ngập tại một số khu vực ven biển ở Huế và Đà Nẵng.

Như vậy: Với bão số 04, dự báo về hướng di chuyển, thời gian đổ bộ, khu vực đổ bộ là chính xác, với cường độ khi đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so với Dự báo ban đầu.

Cường độ bão số 4 đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so với dự báo ban dầu - Ảnh 1.

Khắc phục hậu quả sau bão số 4.

Công tác dự báo phục vụ

- Công tác dự báo phục vụ cơn bão số 4 đã được triển khai từ rất sớm và nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị dự báo KTTV.

- Toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc KTTV của Tổng cục KTTV, đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đã thực hiện quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 4.

- Ngày 23/9 ra công văn cảnh báo sớm và gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT về khả năng tác động lớn của bão số 4 đối với các vùng biển.

- Ngày 26/9: Khi bão vừa vào Biển Đông, phát tin bão khẩn cấp, kèm theo thông tin dự báo từng giờ về cường độ, hướng di chuyển của bão số 4 (cập nhật trên hệ thống website của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia).

- Đã ban hành 33 tin chính thức và 44 tin nhanh bổ sung phục vụ Công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó.

-Nhận định ban đầu khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là vùng có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đến chiều ngày 27/9 thu hẹp vùng rủi ro thiên tai cấp 4 tập trung tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Quảng Ngãi.

- Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã thường xuyên giữ liên lạc và thảo luận với các Cơ quan Khí tượng Philippines, Nhật Bản để trao đổi đặc điểm bão và những tác động ở Philippines, về dự báo quỹ đạo, cường độ và ảnh hưởng có thể có của bão số 4.

- Bộ TNMT đã xây dựng và vận hành các hệ thống giám sát vận hành 11 quy trình liên hồ chứa và Hệ thống giám sát tài nguyên nước, trong đó với hơn 130 hồ chứa, đập dâng quan trọng trong 11 quy trình được cập nhật hàng giờ và khoảng trên 450 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ đã kết nối và truyền dữ liệu tự động, liên tục tối thiểu 15phút/lần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đánh giá về dự báo quỹ đạo và thời điểm ảnh hưởng trên đất liền: Phù hợp với thực tế

Đánh giá về dự báo cường độ:

+ Đây là một cơn bão có sự thay đổi rất nhanh, liên tục về cường độ, kể cả khi ở ngoài Philippines và trên Biển Đông, có thời điểm khi ở ngoài Philippines tăng 8 cấp trong vòng 24 tiếng. Từ 05-12h ngày 26/9 cường độ cấp 12; từ 14h ngày 26/9-05h ngày 27/9 cường độ cấp 14, giật cấp 16; 08h -23h ngày 27/9 cường độ cấp 14-15, giật cấp 17.

+ Các trung tâm dự báo bão quốc tế gồm Mỹ, Bắc Kinh, Hồng Kông dự báo trên biển cường độ bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17; khi đổ bộ cấp 15-16, giật trên cấp 17; Nhật Bản dự báo khi đổ bộ cấp 14-15; Các dự báo của Mỹ, Bắc Kinh, Hồng Kông luôn mạnh hơn Việt Nam từ 2-3 cấp; Dự báo của Nhật mạnh hơn 01 cấp trên biển; mạnh hơn 02 cấp khi đổ bộ.

+ Dự báo Việt Nam: Khi bão ở ngoài Philippines, dự báo bão cấp 13-14 trên biển, cấp 12-13 khi vào gần bờ do có tác động của ma sát, địa hình. Khi bão cách bờ biển Quảng Nam 100km, dựa trên quan trắc radar thời tiết chúng ta cập nhật đánh giá cường độ bão khi vào bờ cấp 11-12, giật cấp 14.

So với diễn biến thực tế:

+ Dự báo quốc tế cao hơn 2-3 cấp khi trên Biển Đông, 3-4 cấp khi đổ bộ vào đất liền.

+ Dự báo của Việt Nam sát nhất (chính xác khi trên Biển Đông, thấp hơn 1-2 cấp khi bão vào đất liền).

Dự báo diễn biến mưa lũ sắp tới

- Sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều ngày 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.

-Dự báo mưa:

Ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Từ ngày 28/9 đến ngày 30/9, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa dự báo Quảng Bình, Hà Tĩnh 200-250mmn, có nơi trên 350mm; Nghệ An, Thanh Hóa 150-200mm, có nơi trên 300mm; khu vực khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình 100-150mm.

-Dự báo lũ, miền Trung:

Các sông ở Quảng Trị, sông Thu Bồn (Quảng Nam) lên mức BĐ1-BĐ2; sông Vu Gia (Quảng Nam) lên trên BĐ2; các sông ở Kon Tum lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.

-Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất:

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).

Cảnh báo: Từ ngày 28-30/9, trên các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, cả lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Dự báo từ nay đến hết năm 2022: Trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 05-06 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 02-04 cơn. Do ảnh hưởng của La Nina nên năm nay nguy cơ xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực Miền Trung trong các tháng cuối năm 2022. Có khả năng tháng 01/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước