"Cuộc chiến" chỗ đỗ xe ô tô

Hồng Anh, Lê Phức-Thứ hai, ngày 29/08/2022 12:41 GMT+7

VTV.vn - Không ít chuyện đau lòng đã xảy ra, xuất phát từ những cuộc chiến không có hồi kết khiến cho ranh giới giữa việc được và không được trở nên rất nhạt nhòa…

Sở dĩ phải gọi là "cuộc chiến" bởi đây thực sự là những mâu thuẫn đang ngày càng trở nên rất phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn khi lượng phương tiện cá nhân đang ngày càng nhiều.

Nhiều áp lực đối với hạ tầng giao thông tĩnh

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Thủ đô đang có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông và 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên ra vào. Tốc độ gia tăng số lượng xe nhanh chóng không chỉ dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông mà còn gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông tĩnh, đặc biệt ở các khu vực có mật độ dân cư đông.

Dù đã có nhiều điểm được quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng tương đối lớn nhưng đến nay, việc triển khai xây dựng các bãi trông giữ xe vẫn rất chậm, tạo áp lực lớn về nhu cầu đỗ xe của người dân.

Cuộc chiến chỗ đỗ xe ô tô - Ảnh 1.

Hà Nội thiếu rất nhiều chỗ đỗ xe

Phải loay hoay để tìm 1 chỗ đỗ xe ô tô tạm thời hoặc rất vất vả để tìm điểm trông xe qua đêm, điều này đặt ra 1 thực tế là có tiền thì bạn có thể mua được nhiều loại xe nhưng chưa chắc bạn đã có thể thuê được 1 điểm đỗ đúng quy định. Trước khi băn khoăn nên mua xe gì, giá bao nhiêu tiền thì câu hỏi đầu tiên nên là mua xe rồi thì có thể đỗ xe ở đâu.

Nhà trong ngõ nhỏ, cách đường rộng tới gần 200m, xung quanh lại không có điểm trông giữ xe nên có chỗ trống gần nhà là anh Dương lại phải tận dụng.

Chấp nhận phó mặc khối tài sản vài trăm triệu đồng vì không còn cách nào khác. Hàng ngày lại cứ loay hoay để tìm 1 chỗ đỗ xe thuận tiện luôn là nỗi sợ của những tài xế suốt nhiều năm nay.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, tỷ lệ đất dành cho giao thông, kể cả giao thông tĩnh và giao thông động cỡ khoảng 20% trở lên. Nhưng Hà Nội chỉ có 8%-9%, chưa được 1 nửa. Nơi đỗ xe công cộng, nơi đỗ xe để đến trung tâm mua sắm, dịch vụ công cộng của người dân thiếu một cách trầm trọng".

10 năm trước, Hà Nội đã tính phương án xây dựng đến 7 bãi đỗ xe ngầm ở các quận trung tâm như ở quảng trường Ngân hàng nhà nước, Cung văn hoá hữu nghị Việt - Xô hay công viên Thống Nhất hiện cũng chưa thấy động tĩnh gì. Có nơi nghĩ là sắp có, vì điểm làm bãi đỗ xe ngầm ít ra còn có bờ rào bao quanh, nhưng bên trong chỉ là bãi đất hoang.

Cuộc chiến chỗ đỗ xe ô tô - Ảnh 2.

Loay hoay, rồi vướng mắc, những dự án cứ mãi chỉ trên giấy trong khi người dân thì tha thiết, còn người làm lại chẳng thiết tha.

Theo Sở GTVT TP Hà Nội, Thủ đô hiện chỉ có 57 bãi đỗ xe đang được khai thác sử dụng với diện tích hơn 44 ha. Con số này mới chỉ đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe tại nội thành, còn lại gần 90% số phương tiện đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, lòng đường, vỉa hè hay tại các khu đất trống của các dự án...

Người dân đua nhau làm biển cấm đỗ xe

Thiếu chỗ đỗ xe, nhiều người lâm vào cảnh bạ đâu đỗ đấy, gây cản trở giao thông và cản trở cả chính những chủ nhà, nơi mà họ vô tình và cả cố ý dừng đỗ. Để đối phó với tình trạng này, những tấm biển báo do người dân tự làm đang xuất hiện ngày càng nhiều trên từng con phố.

Thoạt nhìn, sẽ có thể thấy không có vấn đề gì với những tấm biển này. Nhưng đây lại có thể là mồi lửa để châm ngòi lên một cuộc chiến lớn về câu chuyện đỗ xe, khi mà sự xuất hiện của nó ngày một nhiều và có nơi lại thể hiện thông điệp rất gay gắt. Từ đây, có thể phát sinh ra những xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ranh giới đúng sai trong "cuộc chiến" xe đỗ cửa

Luật Giao thông đường bộ có quy định rất rõ ràng về việc người lái xe có thể dừng, đỗ xe tại những vị trí nào. Nếu phát hiện tài xế đỗ sai quy định, chủ nhà có thể gọi điện cho cơ quan chức năng để yêu cầu xử phạt. Nếu mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy thì đã không có những câu chuyện đáng tiếc phải xảy ra. Tự cho mình quyền được đỗ và được đuổi chính là nguồn cơn gây ra nhiều rắc rối.

Cuộc chiến chỗ đỗ xe ô tô - Ảnh 3.

Phớt lờ cảnh báo của gia chủ, những chiếc xe cứ đỗ ngay tại nơi đặt thông điệp. Không thể để tình trạng lời nói gió bay, các chủ nhà lại nghĩ ra đủ cách làm vượt quá một lời nhắc nhở. Tự ý kẻ vạch sơn để "đánh dấu chủ quyền", đặt các vật cản trên đường hay tạo bẫy giả để hù doạ chủ xe. Mới đây, một chủ nhà ở phố Đỗ Quang, Hà Nội, thậm chí còn tạo ra những chiếc bẫy thật bằng những thanh sắt nhọn cắm ngay trên vỉa hè.

Khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã ngay lập tức dỡ bỏ những chiếc bẫy chết người này. Cũng vì bức xúc với xe đỗ cửa, một số chủ nhà ở quận Thanh Xuân còn kỳ công khoan hẳn nhiều khóa cọc cấm đỗ ngay dưới lòng đường.

Cuộc chiến chỗ đỗ xe ô tô - Ảnh 4.

Người dân không có quyền cấm nhưng các chủ xe cũng không có quyền xâm phạm đến lợi ích của chủ nhà, đỗ xe trước cửa kiểu này, không chỉ là câu chuyện của ý thức.

"Cuộc chiến" xe đỗ cửa chưa có hồi kết, bởi người có lý, kẻ có tình. Nhưng ranh giới đúng sai thì không thể bị xóa nhòa bởi sự bức xúc của một ai đó.

Anh Đặng Văn Quyền, lái xe taxi chia sẻ: "Hôm đó, tôi đến địa điểm đấy để đón khách nhưng ngõ hơi nhỏ. Tôi vẫn ngồi trên xe nhưng có bác ra bảo đây không phải là bãi xe của nhà chúng mày, rồi bác ấy đạp bẹp xe. Nếu tôi không ngồi trong xe thì hôm đấy chắc cả xe cũng bị đập nát".

Dấu vết của sự phá hoại vẫn còn nhưng vì cũng không phải là thiệt hại lớn nên anh Quyền bỏ qua. 1 điều nhịn, 9 điều lành. Hơn ai hết, bà Nhôm rất thấm thía điều này. Bị chủ xe hất văng khi đang tranh cãi về chuyện ô tô đỗ cửa, bà bị chấn thương sọ não, thương tật 63%. Còn người gây tội đã phải chịu mức án 12 năm tù về tội giết người.

Bà Nguyễn Thị Nhôm, Đống Đa, Hà Nội kể lại: "Con xin lỗi cô, cô tha cho con. Bạn ấy quỳ trước toà nói như vậy. Từ đấy tôi cũng càng thấy day dứt. Chỉ vì găng nhau, bức xúc của tôi mà bạn ấy còn phải đi tù 12 năm. Nói như thế mà không cầm được nước mắt luôn, vẫn rất là đau và xót".

Sau 2 lần mổ não và lắp sọ, bà Nhôm may mắn vẫn còn sống để bầu bạn với người chồng bị tai biến nhưng sức khỏe không còn cho phép bà có thể trực tiếp chăm sóc người bạn đời. Chuyện buồn dù đã xảy ra hơn 1 năm nhưng sao vẫn còn hối hận và day dứt nhiều đến thế.

Nhiều hành vi phá hoại xe ô tô đỗ cửa

Người mang tật, người vào tù. Cái giá quá đắt xuất phát chỉ từ những tranh cãi thường ngày. "Cuộc chiến" chỗ đỗ xe trong hình dung của nhiều người có thể chỉ dừng lại ở những cuộc cãi vã nhưng thực tế đã có quá nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra chỉ từ sự nóng giận của vài người.

Chưa cần xét tới phương tiện có dừng đỗ sai quy định hoặc có mâu thuẫn gì trước đó hay không, nhưng việc người dân có những hành vi như phá huỷ ô tô, tạt sơn, cào xước xe... đều là vi phạm pháp luật. Tùy vào giá trị tài sản bị hư hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc, người vi phạm không những phải đền bù mà còn có thể đối diện với mức án hình sự kịch khung lên đến 20 năm tù về tội phá hoại tài sản.

Để "cuộc chiến" chỗ đỗ xe đi đến hồi kết

Chúng ta luôn có cách để làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn, nhất là khi những sự việc đáng tiếc như trên, đa phần xuất phát từ cách hành xử của mỗi người.

Để "cuộc chiến" này đi đến hồi kết, không chỉ là câu chuyện ý thức hay cách ứng xử của cộng đồng mà quan trọng hơn cả là cần tới sự vào cuộc nhanh chóng và có hiệu quả của các cơ quan chức năng. Đằng sau câu chuyện không nhỏ về việc tranh giành chỗ đỗ xe là thực trạng lớn về hạ tầng giao thông đô thị.

Cuộc chiến chỗ đỗ xe ô tô - Ảnh 5.

Một con ngõ đang có bài dự thi nhưng chắc không thể đạt giải nhất vì có người không tuân thủ. Cắm biển cấm người khác đỗ nhưng mình lại được quyền đỗ, chính các chủ nhà đang tạo ra sự bất bình đẳng này. Chưa kể, chính họ cũng đang chiếm dụng vỉa hè, lòng đường bằng những tấm biển báo đầy thách thức…

Cứ làm cho bõ tức và đỡ phải nói nhiều, nhưng hành vi hành vi tự ý đặt vật cản, lắp đặt các thiết bị trên đường giao thông là trái pháp luật. Nếu hành vi này gây cản trở giao thông hoặc gây tổn hại cho người khác, không những sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng mà còn bị phạt tù lên đến 3 năm.

Quyền xử phạt và phân xử đúng sai thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước nhưng tình trạng cứ xử phạt một thời gian rồi đâu lại vào đấy khiến cho nhiều người nhờn luật, bởi vậy, cần phải tính đến bài toán căn cơ và lâu dài hơn để xử lý tình trạng này.

Để những dự tính trở thành hiện thực, cần phải có nhiều thời gian nhưng thay đổi cách hành xử của con người thì không phải đợi chờ lâu đến thế. Có những điều pháp luật không quy định nhưng nó lại là thứ thuộc về ý thức.

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Những câu ca dao tục ngữ mà đứa trẻ nào cũng thuộc nằm lòng, vậy cớ gì mà người lớn lại quên?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước