Lễ hội Ok-Om-Bok hay còn gọi là lễ hội cúng trăng là một trong những lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer. Tối 25/11, tại những địa phương có đông đồng bào Khmer như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang đã diễn ra nghi thức cúng trăng tại các gia đình và tại các ngôi chùa Khmer.
Khi trăng bắt đầu lên cao, tỏa ánh sáng khắp bầu trời, người dân bắt đầu chuẩn bị vật phẩm để cúng. Năm nay, làm ăn khấm khá nên gia đình ông Tạ Chăm Rơi (xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cúng trăng có phần tươm tất hơn những năm trước. Lễ vật gồm: cốm dẹp, bánh mứt, các loại trái cây được bày trí trên bàn đặt giữa sân nhà. Ngoài các thành viên trong gia đình, năm nay, ông còn mời các bô lão người Khmer có uy tín trong xóm, ấp đến dự.
Sau khi thực hiện xong nghi thức cúng bái, ông bà, cha mẹ sẽ tiến hành đút cốm dẹp cho con cháu trong gia đình, đồng thời hỏi ước mơ, mong muốn của trẻ trong tương lai. Phong tục này nhằm cầu mong cho con trẻ luôn mạnh khỏe, chăm ngoan, đồng thời nhắc nhở các em luôn nhớ đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ngoài ra, theo những người cao tuổi trong đồng bào Khmer, việc đút cốm dẹp và hỏi về những dự định trong tương lai còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với trẻ em. Nó giúp các em định hướng tốt cho bản thân và biết cách thực hiện hoài bão của mình.
Ngoài việc cúng trăng tại nhà, các ngôi chùa Khmer cũng tổ chức cúng trăng vào đêm 14/10 Âm lịch. Các phật tử sau khi hoàn thành nghi thức cúng bái tại nhà thường dẫn con cháu tập trung vào chùa để lạy phật, cùng các sư sãi cầu nguyện dưới ánh trăng.
Các phật tử tập trung giữa sân chính điện nghe trụ trì nhà chùa kể lại truyền thuyết cúng trăng của dân tộc. Ngoài việc gắn liền với câu chuyện tiền kiếp của Đức Thích Ca Mâu Ni, tục cúng trăng còn nhằm tạ ơn trời đất đã ban cho người dân mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, sung túc.
Cúng trăng là một phong tục đẹp của đồng bào Khmer Nam Bộ. Cùng với thời gian, mặc dù nghi thức này ít nhiều có sự thay đổi nhưng về cốt lõi, nó vẫn thể hiện được nét đẹp tinh thần, giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ.
Cùng với việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng có những chính sách bảo tồn, phát huy những lễ hội mang bản sắc riêng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Qua đó, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!