Trung tá, Y sĩ Nguyễn Quang Ánh - cán bộ y tế phụ trách Phân trại số 2, Trại giam Thủ Đức - đã mang trong mình căn bệnh HIV sau một tai nạn xảy ra năm 2001.
"Lúc đó rất bất ngờ, mình không có sự chuẩn bị. Vào cấp cứu, phạm nhân tỏ ra bất mãn, không hợp tác, rạch tay, dùng máu tạt vào mình", Trung tá, Y sĩ Nguyễn Quang Ánh cho biết.
Vào năm 2004, vợ bác sĩ Ánh đã chọn cách tự giải thoát sau khi sinh đứa con đầu lòng và biết mình nhiễm HIV. Bác sĩ Nguyễn Quang Anh chia sẻ: "Có lẽ đến giờ phút này, ngày đó là ngày đau đớn nhất của gia đình mình. Sau đêm đó còn nghĩ rất nhiều lần muốn giải thoát. Thế nhưng số phận con người là như vậy. Mình đã chọn nghề này rồi thi nó sẽ có rủi ro. Nó đến với mình thì mình đón nhận nó".
Đội y tế trại giam Thủ Đức hiện tại có 27 y bác sĩ phụ trách 7 phân trại và 3 khu lao động dạy nghề. Nhân lực cùng trang thiết bị đều thiếu thốn, phạm nhân lại đa dạng về độ tuổi và tính chất phạm tội. Chính vì đặc thù công việc như vậy đòi hỏi các y bác sĩ trong trại giam phải vững nghiệp vụ để nắm bắt tâm lý của phạm nhân.
"Chúng tôi là người lính khoác trên mình 2 màu áo. Đối với chúng tôi, họ là phạm nhân nhưng cũng là bệnh nhân, họ đau đớn cũng như mình đau đớn vậy", Trung tá, bác sĩ Phạm Văn Bảng, Đội trưởng Đội Y tế và Bảo vệ môi trường cho biết.
Những cái nắm tay động viên, sự chân thành trong ánh mắt, lời nói của các y bác sĩ đã tiếp thêm sức mạnh giúp các phạm nhân vượt qua bệnh tật, cố gắng sống khỏe để cải tạo, học tập.
Phạm nhân Phan Quốc Anh cho hay: "Dù có bệnh như thế nào, nặng hay nhẹ cũng ráng, cố gắng suy nghĩ tích cực vì bên cạnh mình cũng còn có bác sĩ, cán bộ quan tâm chăm sóc".
Trong khi đó, phạm nhân Preeyanook Phuttharaksa, Quốc tịch Thái Lan bày tỏ: "Các cán bộ y tế coi mình như người thân chứ không phải coi như là người có tội. Mình cố gắng nhiều hơn để sớm được hưởng khoan hồng của Nhà nước Việt Nam. Sau khi ra tù, có cơ hội muốn làm gì đó cho xã hội".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!