Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và trợ giúp người khuyết tật là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc.
Cụ thể, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật từ năm 2010 và đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật vào năm 2015. Kể từ đó cho tới nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người dễ bị tổn thương này.
Khoảng 10 năm về trước, phần lớn người khuyết tật rất ngại, thậm chí là sợ hãi khi phải đi ra đường, nhưng mọi thứ đang dần thay đổi. Nhiều công trình công cộng thiết yếu đã được chú ý hơn trong việc thiết kế để phục vụ người khuyết tật, tuy nhiên vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để nhóm người dễ bị tổn thương này thực sự cảm thấy tự tin mỗi khi ra đường.
Vài năm nay, đi bất cứ đâu, Đức Anh (Hà Nội) cũng dùng xe bus nhanh, hoặc xe bus điện. Lối vào bến xe không quá dốc, sàn bến xe ngang bằng với sàn xe, hoặc cửa lên xuống có chế độ tự động hạ thấp khi dừng để hỗ trợ người già, trẻ em, người khuyết tật. Đây là một trong những loại hình phương tiện phù hợp nhất với những người khuyết tật vận động như anh, không cần phải mệt mỏi khi phải tự di chuyển bằng xe lăn dưới đường thường xuyên nữa. Với anh, lòng đường hay vỉa hè đều đáng ngại như nhau.
"Khá là áp lực. Phương tiện lớn làm bị khuất tầm nhìn làm cho tôi rất khó trong việc kiểm soát được tình hình ở trên đường. Đi lên vỉa hè thì bậc to, nhiều gian hàng, cửa hàng lấn chiếm vỉa hè làm cho tôi khó khăn khi đi lại", anh Nguyễn Đức Anh, Hà Nội, chia sẻ.
Nhu cầu đi lại bằng các phương tiện công cộng của người khuyết tật là rất lớn. (Ảnh: Dân trí)
Phần lớn vỉa hè còn khó để đi bộ, ngay cả với người bình thường. Các tuyến phố lớn thường xuyên được thay đá hoặc gạch lát vỉa hè, nhưng không phải vỉa hè nào cũng có gờ nổi để làm dấu hiệu nhận biết cho người khuyết tật. Nếu có thì không gian di chuyển cũng rất chật hẹp đối với một chiếc xe lăn.
Từ năm 2014, Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Các quy định kỹ thuật rất chi tiết và rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, các công trình đã thực hiện không triệt để, hoặc bỏ qua các yếu tố này.
Hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật, đến nay, những người khuyết tật vẫn phải tìm cách đi riêng cho mình chính là công nghệ, chứ không phải là các quy chuẩn quốc gia đã giúp cho họ tự tin hơn mỗi khi ra đường.
Kết quả khả quan về giao thông tiếp cận phổ quát
Mặc dù còn nhiều điều cần cải thiện, trong 10 năm qua, quá trình thực thi chủ trương, chính sách, quy chuẩn quốc gia nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông đường bộ đối với người khuyết tật đã đạt được những kết quả khả quan.
Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các công trình nhà ga, bến xe được xây dựng mới đáp ứng quy chuẩn tiếp cận, có đường dốc, nhà vệ sinh, vị trí ghế ưu tiên tại phòng bán vé.
Đối với các công trình giao thông cũ, ước tính có 30 - 40% được cải tạo đáp ứng các quy chuẩn về giao thông tiếp cận. Ước tính 30% bến xe khách trong tổng số hơn 450 bến xe ở Việt Nam đã có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật sử dụng.
Trên các phương tiện công cộng như xe bus đều có niêm yết ghế dành riêng cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có người khuyết tật.
Nhiều địa phương đã chủ động làm tốt công tác tổ chức vận tải, hạ tầng giao thông, thiết bị phục vụ cho người khuyết tật, thực hiện miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật.
Công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật và pháp luật liên quan đến người khuyết tật đã được triển khai đến đội ngũ cán bộ điều hành vận tải, chủ phương tiện, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô.
Nâng cao năng lực giám sát và tự bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật trên mọi mặt, cộng đồng người khuyết tật cũng đang nỗ lực vươn lên. Họ nỗ lực tự thân vận động và còn giúp cộng đồng của mình có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tháng 12/2023, "Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát" lĩnh vực đường bộ đã được Bộ Giao thông vận tải ban hành, đưa ra những quy định cụ thể để phát triển đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông đi cùng các cơ chế hỗ trợ, nhằm đáp ứng khả năng đi lại an toàn, thuận lợi cho tất cả mọi người, trong đó có nhóm người dễ bị tổn thương.
Đây không chỉ được coi là bước ngoặt đối với ngành giao thông, mà còn có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng người khuyết tật. Trong dự án này, những người khuyết tật được tham gia với vai trò tư vấn kỹ thuật và giám sát.
"ACDC ngoài là đơn vị triển khai trực tiếp, thực hiện trực tiếp, tham gia hoạt động nghiên cứu, còn là đơn vị hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện những mô hình như là một bằng chứng cho việc triển khai ý nghĩa thực tiễn của Bộ tiêu chí này cần thiết như thế nào", chị Nguyễn Thị Hồng Huế, cán bộ điều phối dự án, Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), cho biết.
Trong số 45 thành viên của Viện, có tới 9 người khuyết tật. Họ là những nhân sự tích cực của Viện, tham gia các dự án tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật, các dự án vận động thay đổi chính sách cho người khuyết tật và các chương trình đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho người khuyết tật.
"Cộng đồng người khuyết tật cũng tăng cường khả năng tham gia giám sát công dân ở đây để giúp những hoạt động liên quan đến họ đều có sự tham gia của họ. Vai trò và sự tham gia của người khuyết tật ở trong những hoạt động như thế này rất là quan trọng trong việc đảm bảo theo như câu slogan quốc tế là "không có gì về chúng tôi mà không có chúng tôi", chị Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), cho hay.
Không thể phủ nhận, trong hơn 10 năm qua đã có nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho người khuyết tật, ở đó sự hiện diện của chính những người khuyết tật trong các vai trò khởi xướng, triển khai và giám sát đã tạo ra nhiều bước chuyển trong các chương trình hành động vì người khuyết tật tại Việt Nam.
Chủ đề Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm nay là: "Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập" cho thấy cần sự chung tay từ nhiều phía để người khuyết tật có cơ hội thể hiện năng lực của mình. Họ hoàn toàn có thể có một cuộc sống tốt hơn nếu xã hội tạo cho họ một môi trường và cơ sở vật chất thích hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!