Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong 5 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (37,2%) và chưa đạt tiến độ yêu cầu khoảng 40%. Tỷ lệ tiêm vaccine sởi - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn 5 tháng đầu năm 2019.
Tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt chỉ tiêu phần lớn thuộc các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, ngay tại khu vực thành thị cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý đối tượng và vận động người dân đưa con đi tiêm chủng.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: "Khó khăn trong công tác tiêm chủng như những vấn đề liên quan đến tiếp cận vùng khó khăn, vấn đề về điều kiện tự nhiên. Cán bộ y tế mang vaccine đến bản để tiêm nhưng đến gặp được người dân nào thì tiêm được người dân đấy, còn những người khác vẫn cứ thờ ơ. Ngay ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn có những trẻ bỏ sót tiêm chủng".
Chính vì bỏ sót tiêm chủng nên dễ hiểu vì sao tạo ra những "lỗ hổng miễn dịch" tại khu vực nơi mầm bệnh một khi xâm nhập trở lại có thể lây lan trên diện rộng. Nếu không được kiểm soát và khống chế sẽ có nhiều vụ dịch ẩn nối tiếp trong cộng đồng như bạch hầu có thể tồn tại ở cả người lành và có thể bùng phát bất cứ khi nào.
Theo các chuyên gia, để lấp được "lỗ hổng" trong tiêm chủng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như vệ sinh môi trường, duy trì tỷ lệ tiêm chủng mức cao. Trong đó, trẻ em được sinh ra phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!