Cơ sở giặt nhuộm liên tục vi phạm xả thải - Chính quyền khó giải quyết vì sao?

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 28/10/2020 14:25 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo từ các quận huyện, mỗi năm có hàng chục cơ sở bị phạt nhưng rồi việc xả thải ra môi trường lại tiếp tục tái diễn.

Vẫn là câu chuyện xả khói thải gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư nhưng nỗi khổ của hàng ngàn hộ dân ở các huyện Bình chánh, Hóc Môn, Bình Tân tại TP.HCM thì khó mà diễn tả hết. Các cơ sở sản xuất trong khu vực này vẫn hàng ngày thải ra rất nhiều vải vụn. Đây là loại chất thải thuộc diện chất thải nguy hại nhưng lượng chất thải này lại được đem đốt thay vì xử lý theo đúng quy chuẩn. Thực tế này đang gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Trên trời không khí ô nhiễm, dưới mặt đất nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước thải sau khi đã giặt nhuộm cũng xả trực tiếp ra môi trường.

Nước thải, khí thải bủa vây khu dân cư

Sống bên cạnh bờ kênh hơn chục năm nay, vợ chồng bà Dư Thị Hoa - ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP.HCM suốt ngày gần như không rời chiếc khẩu trang trừ lúc ăn cơm. Đêm mùi khói xả ngày thì mùi hôi từ dòng kênh đen bốc lên nồng nặc.

Nằm phía bên kia bờ kênh là những cơ sở giặt sấy nhuộm. Khi lò được khởi động đốt nóng từ sáng sớm, lửa cháy ngùn ngụt và đương nhiên kèm theo đó là khói đen đặc kín cả khu vực. Từ sáng sớm đến khuya, những lò đốt của các cơ sở giặt sấy nhuộm này cuồn cuộn thải khói mịt mù khu dân cư.

Chính quyền cấp xã cho biết việc ô nhiễm tại khu vực này là có nhưng xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường thì cấp xã không đủ thẩm quyền để giải quyết.

"Hiện xã có khoảng 30 cơ sở gây cơ ô nhiêm và 29 cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm nhưng việc kiểm tra cần phối hợp rà soát các công ty có nguy cơ ô nhiễm ký cam kết, rà soát hồ sợ pháp lý nhà đất theo kế hoạch 320 của huyện để xử lý" - ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP.HCM cho hay.

Tình trạng các xưởng giặt sấy nhuộm đốt rác thải gây ô nhiễm này đã kéo dài từ nhiều năm nay. Người dân bức xúc kiến nghị lên các cấp nhưng không hiểu sao các cơ sở không những không khắc phục mà ngày càng công khai hơn.

Hàng trăm cơ sở giặt nhuộm nằm dày đặc tại các huyện vùng ven

Tại hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn hiện có trên 600 cơ sở giặt sấy nhuộm. Đơn cử chỉ một xã như Vĩnh Lộc A của huyện Bình Chánh đã có tới 73 cơ sở. Theo ước tính, 1 cơ sở 1 ngày có thể đốt 2 - 3 tấn vải vụn. Những cơ sở này đã được xây dựng và hoạt động từ 3 - 5 năm nay, chủ yếu là được di dời ra khỏi khu dân cư từ các quận nội thành. Hầu hết các cơ sở này đều hoạt động không đúng với ngành nghề đăng ký trong giấy phép.

Theo báo cáo từ các quận huyện, mỗi năm có hàng chục cơ sở bị phạt nhưng rồi việc xả thải ra môi trường lại tiếp tục tái diễn. Tuần qua, sau nhiều ngày theo dõi, nhóm phóng viên Chuyển động 24h đã phát hiện không chỉ một mà nhiều cơ sở đang lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường.

Cơ sở giặt nhuộm liên tục vi phạm xả thải - Chính quyền khó giải quyết vì sao?

Theo quy định, khi các cơ sở xả thải gây ô nhiễm bị phát hiện sẽ bị phạt tiền, quyết liệt hơn thì sẽ bị buộc phải ngưng hoạt động. Nhưng vì sao hàng chục cơ sở giặt sấy nhuộm đã bị xử phạt lại không chấp hành mà tiếp tục vi phạm 1 cách ngang nhiên? Phải chăng còn có sự lúng túng trong việc xử lý các cơ sở vi phạm khiến cho việc này giống như bắt cóc bỏ đĩa?

Cơ sở sản xuất liên tục vi phạm - Chính quyền khó giải quyết vì sao?

Bám dọc con kênh bốc mùi hôi thối có tới 7 cơ sở giặt sấy nhuộm. Miệng cống xả của cơ sở giặt nhuộm La Đô, vị trí cách đây mấy ngày phóng viên phát hiện xả nước thải có màu xanh giống như màu hóa chất ra kênh rạch Cầu Sa, đã được chủ cơ sở cho bít lại. Làm việc với chính quyền địa phương, chủ cơ sở đưa ra nhiều lý do để đổ lỗi.

Cơ sở giặt nhuộm liên tục vi phạm xả thải - Chính quyền khó giải quyết vì sao? - Ảnh 2.

Đại diện Phòng Tài nguyên môi trường huyện Bình Chánh cho biết, cơ sở này trong năm 2019 cũng đã từng bị phạt trên 200 triệu đồng vì vi phạm xả thải ra môi trường và không chỉ có cơ sở này mà còn nhiều cơ sở khác cũng bị phạt vì cùng một tội danh, nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải đối với các cơ sở này thì khó vì kể cả việc có quyết định ngưng hoạt động thì cũng không có hình thức cưỡng chế khi các cơ sở không chấp hành.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cũng cho biết không thể phủ nhận hàng trăm cơ sở dệt nhuộm này đã góp phần phát triển kinh tế địa phương, đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên trong quá trình hình thành và phát triển trong hàng chục năm qua thì cũng đã nảy sinh hàng trăm cơ sở vi phạm môi trường do máy móc, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp. Đến nay, biện pháp xử lý cũng chỉ dừng ở mức phạt vi phạm hành chính, tuyên truyền vận động, còn những giải pháp căn cơ hơn như di dời vào khu công nghiệp tập trung thì còn phải chờ khi đủ điều kiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước