Có nên tổ chức tour du lịch xem cá voi?

Đào Huyền-Thứ hai, ngày 29/08/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, mở tour du lịch xem cá voi là chuyện không mới ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cần có hình thức quản lý phù hợp với loại hình này.

Xung quanh việc cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi (Bình Định) gây thích thú trong cộng đồng suốt thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất mở tour du lịch để tạo điều kiện cho người dân, du khách có thể xem cá voi, Phóng viên VTV News đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu sinh vật biển Vũ Long, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã và Loài nguy cấp (CBES) về những thông tin khoa học về loài này và quan điểm của nhà khoa học nếu mở tour du lịch biển xem cá voi.

Cá voi Bryde ở vùng biển Đề Gi, Bình Định (Nguồn: CBES)

- Xin chào anh Vũ Long! Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu những ngày qua ở vùng biển Đề Gi, anh và cộng sự đã thu thập được những gì đáng chú ý?

Có nên tổ chức tour du lịch xem cá voi? - Ảnh 2.

Anh Vũ Long, Nhà nghiên cứu sinh vật biển.

- Mặc dù thời gian khảo sát không nhiều, nhưng chúng tôi thu thập được một số thông tin thú vị về loài cá này. Thứ nhất đây là loài cá voi Bryde, tên khoa học là Balaenoptera edeni... Loài này sinh sống ở vùng biển nhiệt đới, khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trường hợp cặp mẹ con cá voi này được ghi nhận xuất hiện ở Đề Gi từ ngày 26/7 và đến nay vẫn còn xuất hiện. Theo tôi đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng, sự xuất hiện kéo dài ngày này chứng tỏ môi trường biển Đề Gi cũng như nguồn thức ăn khá phù hợp với cá voi trong giai đoạn nuôi con.

Cho đến bây giờ, giới khoa học chưa có nhiều thông tin về tập tính loài này. Chúng ta biết loài này sinh sống chủ yếu ở vùng biển ấm (khoảng 16 độ C trở lên) và được ghi nhận khá nhiều ở vùng biển Thái Lan. Loài cá voi Bryde này hay bị nhầm lẫn với cá voi khác như cá voi xanh. Phân biệt giữa cá voi Bryde và cá voi xanh: Cá voi Bryde có 3 đường gờ song song trên trán. Cá voi xanh chỉ có một đường gờ.

Cá voi là thú biển, nó cũng nuôi con bằng sữa mẹ, thở không khí. Nếu không ngoi lên mặt nước để thở để hít thở trong thời gian dài thì cá voi có thể chết ngạt.

- Gần đây một số vùng biển nước ta thường xuyên ghi nhận cá heo, cá voi xuất hiện với tần suất thường xuyên. Anh đánh giá điều này có nói lên thông tin, ý nghĩa gì không?

Trái với quan niệm của nhiều người, cá heo và cá voi thực ra vẫn khá phổ biến ở các vùng biển Việt Nam. Cho tới bây giờ, Trung tâm CBES chúng tôi ghi nhận có ít nhất 26 loài cá heo và cá voi sinh sống ở các vùng biển Việt Nam. Chúng đã sinh sống lâu đời ở hải phận của chúng ta.

Thực tế là ngư dân Việt Nam gặp và tiếp xúc với các loài cá voi và cá heo khá phổ biến. Do quá trình tương tác giữa ngư dân và cá voi lâu đời mà hình thành nên tập quán thờ cá ông, thực tế là thờ cá voi. Gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội và công nghệ di động khiến thông tin cá voi xuất hiện lan truyền rầm rộ, gây hiếu kỳ với nhiều người chưa biết. Nhưng với giới khoa học, đây cũng không phải hiện tượng quá đặc biệt.

- Với rất nhiều người dân, việc cá voi xuất hiện khá kỳ thú. Đang có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh đề xuất mở tour du lịch xem cá voi, anh nhận thấy điều này có khả thi không?

Có nên tổ chức tour du lịch xem cá voi? - Ảnh 3.

Một số tour ngư dân tự tổ chức xem cá voi tiếp cận cá voi quá gần.

- Trước hết, phải thừa nhận rằng các tour du lịch xem cá voi hay các loài thú biển khác không phải điều mới lạ trên thế giới. Ở các nước lân cận chúng ta như Thái Lan, Indonesia hay xa hơn nữa là Australia, lâu nay họ đã có những hoạt động du lịch này. Không thể phủ nhận rằng, loại hình du lịch này mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là ngư dân.

Tuy nhiên, tôi quan niệm rằng cần phải có hình thức quản lý phù hợp với loại du lịch này. Cần có công cụ để đảm bảo nguồn lợi của cộng đồng địa phương cũng như phải đảm bảo được môi trường bảo tồn loài động vật hoang dã này.

Trường hợp ở Đề Gi là một ví dụ, khi chúng tôi khảo sát, có hàng trăm lượt du khách ra tham quan, nhiều ngư dân tự tổ chức tour chở khách ra xem cá voi. Do chưa nhận thức được vấn đề nên nhiều tàu tiếp cận cá voi ở khoảng cách rất gần. Dù sao, đây cũng là động vật hoang dã và đang trong giai đoạn nuôi con nên rất dễ có phản ứng tự vệ. Thêm vào đó, việc tiếp cận cá voi quá gần với tần suất thường xuyên sẽ vô tình gây ra sự căng thẳng, stress cho cá voi. Cho dù đây là sinh cảnh thuận lợi cho mẹ con cá voi nhưng về lâu dài, nó có thể bỏ đi nơi khác. Như vậy chúng mất đi ngôi nhà, cộng đồng địa phương mất đi một nguồn lợi.

Ở Việt Nam, rất tiếc là chưa có những quy định nghiên cứu xem cá voi như thế. Nhưng chúng ta có thể tham khảo các nước có hình thức xem cá voi này, chẳng hạn như ở bang Queensland (Úc), người ta có hướng dẫn tàu chở khách xem cá voi, chẳng hạn như tàu không được tiếp cận phần đầu, phần mũi hay phần đuôi, mà chỉ tiếp cận song song từ bên hông và giữ khoảng an toàn tối thiếu 100m... Tôi nghĩ ở Việt Nam, chúng ta bước đầu nên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương và du khách. Hy vọng cặp mẹ con cá voi này tiếp tục duy trì sinh sống ở vùng biển Đề Gi và tạo ra hình thức du lịch thân thiện với thiên nhiên.

Có nên tổ chức tour du lịch xem cá voi? - Ảnh 4.

Theo anh Vũ Long, tour du lịch ngắm cá voi có thể mang lại thêm nguồn lợi cho người dân địa phương, tuy nhiên cần có hình thức quản lý phù hợp với loại du lịch này.

- Hiện nay anh có những khó khăn, thách thứ nào trong công tác nghiên cứu, bảo tồn các loài sinh vật biển hoang dã ở Việt Nam?

- Điều kiện nghiên cứu lĩnh vực đa dạng sinh học ở Việt Nam có khá nhiều thuận lợi, cũng có nhiều thử thách. Với tôi, thử thách lớn nhất khi nghiên cứu về thú biển, cá voi, cá heo, dugong (bò biển) đó là nhận thức của đại bộ phận người dân về nhóm động vật biển này còn hạn chế. Đa số người dân sống ở vùng xa biển, thường không biết rằng Việt Nam có đến 26 loài cá heo, cá voi đang sinh sống trên vùng biển nước ta. Khi chúng tôi làm những dự án nghiên cứu, nhiều người cho rằng cá heo, cá voi sống ở vùng biển khác di cư đến Việt Nam thì bảo tồn làm gì. Mặt khác, đa số các nghiên cứu ở biển cần những thiết bị khá là đắt tiền, kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam mình lại chưa nhiều để đầu tư. Do đó, khi chúng tôi làm việc, có những lần phải tự chế ra thiết bị phù hợp, mất rất nhiều thời gian.

Có nên tổ chức tour du lịch xem cá voi? - Ảnh 5.

Hai mẹ con cá voi Bryde ở vùng biển Đề Gi, Bình Định. Ảnh CBES

- Trong thời gian tới, hướng nghiên cứu bảo tồn động vật biển hoang dã của anh và Trung tâm CBES sẽ tập trung vào những nội dung nào?

- Hướng nghiên cứu chính của tôi là thú biển. Trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung chủ yếu nội dung này. Hiện tại, chúng tôi có một dự án nghiên cứu cá heo ở vùng sinh quyển Kiên Giang, một dự án nghiên cứu cá heo ở gần biển Vũng Tàu và một dự án nghiên cứu loài Dugong (Bò Biển) gần Côn Đảo. Tuy nhiên, trong Trung tâm CBES chúng tôi tập trung nghiên cứu, bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã trên bờ, có trong sách đỏ tại Việt Nam. Hướng tiếp cận của chúng tôi là cố gắng ứng dụng công nghệ mới vào nghiên cứu sinh thái khoa học và bảo tồn. Ví dụ như với cá heo và cá voi, tập trung vào hướng siêu âm, âm sinh học của nhóm này hay âm sinh học loài dơi, DNA môi trường, mô hình tính toán để xác định loài động thực vật đó đến từ đâu?…

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước