Dự thảo Nghị quyết "Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội" đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến. Theo đó, một số hành vi vi phạm giao thông theo quy định của Nghị định 168/2024 có mức phạt thấp được đề xuất tăng 2 lần, còn những hành vi có mức phạt cao thì kiến nghị tăng 1,5 lần.
Từ khi Nghị định 168 bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2025, tình trạng trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn giao thông và các vi phạm liên quan đã giảm đáng kể, trong khi ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân ngày càng được nâng cao. Các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ cũng có xu hướng giảm mạnh. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, phần lớn người tham gia giao thông đã chấp hành tốt các quy định. Việc triển khai Nghị định 168 có thể xem là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông đô thị.
Thông tin về việc Hà Nội đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến, quan điểm đa chiều.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo VTV, chị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, trước đây tình trạng giao thông tại Hà Nội khá lộn xộn, nhưng từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, mọi thứ đã dần đi vào trật tự. Theo chị, cần tiếp tục duy trì và thực thi nghiêm túc để răn đe người vi phạm.
Đồng tình với quan điểm của chị Hiền, anh Việt (Ba Đình, Hà Nội) cho biết thêm, dù việc tăng mức phạt có thể giúp răn đe, nhưng đó chưa phải giải pháp triệt để. “Ý thức của người dân chỉ là một yếu tố, trong khi hệ thống giao thông thiếu an toàn và chưa hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm. Nếu chỉ chú trọng vào mức phạt mà không cải thiện hạ tầng và tổ chức giao thông, thì vấn đề sẽ tiếp tục tái diễn” - anh Việt cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần phân biệt giữa vi phạm cố ý và vô ý, tránh phạt nặng những trường hợp không cố tình, như người đi xa chưa quen đường hoặc chưa kịp nhận biết biển báo. Ngược lại, những hành vi cố tình như đi xe lên vỉa hè hay lái xe khi đã uống rượu bia cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe.
Cần đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phù hợp
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV về đề xuất nâng mức phạt giao thông, TS. Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, mục tiêu chính của việc xử phạt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, từ đó giảm thiểu tai nạn và xây dựng văn hóa giao thông. Nghị định 168 đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng để duy trì hiệu quả lâu dài thì cần thực thi các biện pháp xử lý vi phạm một cách triệt để hơn.
“Chúng ta phải tiếp tục duy trì và từng bước tuyên truyền, giáo dục người dân để họ nâng cao hơn nữa nhận thức của mình về công tác xử lý vi phạm. Chúng ta có thể ứng dụng những hỗ trợ về mặt công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay” - TS. Khương Kim Tạo nói.
Mặc dù đồng tình với chủ trương nâng mức xử phạt, tuy nhiên chuyên gia cũng cho rằng Hà Nội nên đánh giá hiệu quả của Nghị định 168 sau một thời gian triển khai, từ đó sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh nâng mức phạt với những hành vi cần thiết. Việc nâng mức phạt cần dựa trên thực tế: những hành vi đã được chấp hành tốt có thể giữ nguyên mức phạt, trong khi các lỗi nguy hiểm như vượt đèn đỏ, lái xe khi có nồng độ cồn... cần bị xử lý nghiêm vì đây là hành vi mang tính chủ động, không phải do sơ suất.
Ngoài ra, ông Tạo nói thêm, trong quá trình triển khai Nghị định 168, cũng đã bộc lộ một số vấn đề trong việc quản lý hạ tầng giao thông cũng như tổ chức giao thông còn có nhiều bất cập, cần xem xét cụ thể để điều chỉnh.
“Một số nút giao thông có thời lượng đèn vàng quá ngắn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Việc điều chỉnh thời gian đèn vàng từ 3 đến 6 giây, tùy theo tốc độ thiết kế của từng nút giao, sẽ giúp phương tiện di chuyển an toàn hơn. Tốt nhất, đèn vàng nên hiển thị thời gian đếm ngược, giúp tài xế yên tâm duy trì tốc độ phù hợp và kịp thời dừng xe khi cần. Điều này không chỉ hỗ trợ người tham gia giao thông mà còn giúp cơ quan quản lý tối ưu thời lượng đèn, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn. ” - TS. Khương Kim Tạo nêu quan điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!