Chuyển đổi nhiệt điện than sang năng lượng sạch: Còn nhiều thách thức

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 02/05/2024 17:49 GMT+7

VTV.vn - Việc chuyển đổi từ nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch là một trong những thách thức lớn mà nhiều quốc gia đang đối diện.

Loại bỏ điện than là điều phải làm

Theo Liên Hợp Quốc, lượng khí thải từ năng lượng hóa thạch hiện có và theo kế hoạch đã cao hơn gấp đôi lượng có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Đây là mức mà các nhà khoa học cho rằng, có thể mang lại những tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống trên Trái đất.

Đối với Việt Nam, trong hai thập kỷ qua đã ghi nhận 226 hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại kinh tế khoảng 2 tỷ USD/năm. Giảm lượng khí thải từ năng lượng hóa thạch là cực kỳ cấp bách để hạn chế sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu.

Tại COP26, gần 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng về "0" (Net Zero). Việt Nam cũng là nước thứ ba ký kết JETP với các nước thành viên G7 và một số nước khác. JETP đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và khử carbon trong hệ thống điện, phát triển các cơ hội kinh tế mới sang tương lai không phát thải carbon.

Chuyển đổi nhiệt điện than sang năng lượng sạch: Còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào 2050. Đây là những quyết tâm cực kỳ ấn tượng khi biết rằng, trong giai đoạn 2000 - 2019, cường độ phát thải khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam tăng 292%, từ 0,65 tấn lên 2,57 tấn, nhanh thứ 6 trên thế giới. Trong đó, ngành sản xuất điện dẫn đầu về phát thải khí nhà kính, chiếm 29,08% tổng phát thải khí nhà kính cả nước.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho biết: "Sự phụ thuộc của chúng ta vào sản xuất điện than đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Việc loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải một lựa chọn, nhằm giảm lượng phát thải carbon cho nền kinh tế Việt Nam và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0".

Không sử dụng than để phát điện

Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch được phê duyệt là bước đột phá chuyển dịch năng lượng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Quy hoạch điện VIII đề ra lộ trình chuyển đổi nhiệt điện than sang năng lượng sạch với những yêu cầu cụ thể. Theo đó, chỉ thực hiện các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Ngoài ra, định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu sẽ phải dừng hoạt động.

Theo kế hoạch, năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Định hướng đến năm 2050 sẽ không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh.

Chuyển đổi nhiệt điện than sang năng lượng sạch: Còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Mô hình chuyển đổi NMNĐT thành nhà máy lưu trữ năng lượng

Tại tọa đàm quốc tế "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than" vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác không thể phủ nhận vai trò của điện than, nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn. Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động. Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia, chuyển đổi công nghệ quản trị, đánh giá và xử lý tác động, huy động tài chính, thúc đẩy hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế để chuyển đổi nhanh.

Lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi

Quy hoạch điện VIII cho thấy việc chuyển đổi từ năng lượng than sang các nguồn năng lượng sạch là cấp bách. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết.

Mới đây, Viện Năng lượng và UNDP Việt Nam đã cuộc họp kỹ thuật "Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050", trong đó thảo luận về lộ trình chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các giải pháp thay thế bền vững.

Chuyển đổi nhiệt điện than sang năng lượng sạch: Còn nhiều thách thức - Ảnh 3.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam phát biểu tại cuộc họp kỹ thuật "Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050"

Các chuyên gia đã nghiên cứu đã đưa ra các lộ trình chuyển đổi khả thi cho các nhà máy nhiệt điện than lớn của Việt Nam (Nhà máy Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong) đánh giá các tác động, chi phí và lợi ích tiềm tàng của các phương án chuyển đổi năng lượng khác nhau.

Theo báo cáo của Viện Năng lượng, Việt Nam cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than. Lộ trình chuyển đổi sẽ bao gồm danh mục các nhà máy cần chuyển đổi, phương án và thời gian chuyển đổi, nhu cầu tài chính, phương án xử lý nhân sự và tác động môi trường, các vấn đề cần đàm phán về đóng cửa và chuyển mục đích sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII chưa có giải pháp bổ sung nguồn cho các nhà máy nhiệt điện than chuyển đổi trước năm 2030 nên có thể xảy ra thiếu hụt công suất nguồn điện. Đặc biệt, khả năng chuyển đổi trước năm 2030 của các nhà máy không cao, Quy hoạch điện VIII cũng đã xem xét khả năng nhập khẩu điện tăng vào năm 2030 đến 8.000 MW, cao hơn dự kiến là 3.000 MW. Công suất này có thể bù cho công suất thiếu hụt nguồn.

Một yếu tố mà Viện năng lượng tính đến là việc định hướng đốt kèm sinh khối. Theo đó, nguyên liệu sinh khối của Việt Nam phân bố rải rác, quy mô tập trung không lớn, khó khăn trong việc thu gom sinh khối trong khi các nhà máy điện sinh khối đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 80 công ty sản xuất khoảng 4,44 triệu tấn sinh khối/năm (chiếm khoảng 4,5% tiềm năng sinh khối cả nước). Trong đó, khoảng 3 triệu tấn viên nén được xuất khẩu tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Do vậy, những nhà máy điện than có công suất nhỏ (dưới 300 MW), gần nguồn cung cấp sinh khối là những nhà máy thích hợp chuyển đổi sang đốt sinh khối.

Liên quan định hướng chuyển đổi Amoniac xanh và H2 xanh, Viện Năng lượng chỉ ra rằng, công nghệ của Việt Nam hiện còn chưa hoàn thiện, chưa thương mại hóa ở quy mô lớn trong khi giá thành sản xuất cao. Đáng nói, quá trình sản xuất amoniac xanh và H2 xanh có thể gây ra ô nhiễm môi trường và phát thải CO2, do đó cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Cuối cùng là vấn đề tài chính cho chuyển đổi. Ước tính tổng chi phí đầu tư để tiến tới "Net Zero" có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Nhiều giải pháp tài chính được đưa ra như đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thế nhưng những phương án đưa ra chưa thực sự rõ ràng, chưa có cơ chế, chính sách về xã hội hoá, cách thức huy động nguồn vốn tư nhân và nước ngoài, hình thức hợp tác… Do vậy cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi nhiệt điện than bao gồm các ưu đãi về thuế, phí cũng như cơ chế chính sách hợp lý về giá điện để thu hút được các nhà đầu tư.

UNDP Việt Nam cũng nêu lên việc một số lượng lớn công nhân lao động trực tiếp hoặc gián tiếp trong các hoạt động khai thác than, vận tải và sản xuất điện, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, có thể bị ảnh hưởng bởi việc ngừng sử dụng than. Vì vậy, điều quan trọng là phải cung cấp các hỗ trợ về đào tạo lại và tái đào tạo kỹ năng cho những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng, đồng thời cần thiết để đảm bảo sự tham gia của họ và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này.

Có thể khẳng định rằng, xu hướng chung của thế giới, trong đó có Việt Nam là chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, giảm nhà máy nhiệt điện than. Định hướng chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII phù hợp với các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0". Song việc chuyển đổi là xu thế mới, do đó sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh chưa được nhận biết và đánh giá đầy đủ mà Việt Nam với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước