Chủ động ứng phó với bão, mưa lũ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 10/10/2021 18:27 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.

Chiều 10/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định và tiếp tục yếu thành vùng áp thấp.

Sức gió ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu và tan dần. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 7.

Bão số 7 vừa tan thì lại có cơn bão Kompasu ở phía Đông, Philippines di chuyển nhanh và dự kiến sẽ đi vào Biển Đông trong khoảng 1-2 ngày tới.

Chủ động ứng phó với bão, mưa lũ - Ảnh 1.

Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu:

- Các địa phương bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.

- Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm.

- Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.

- Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực đã từng xảy ra sự cố năm 2020 để kịp triển khai sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Chủ động ứng phó với bão, mưa lũ - Ảnh 2.

Hà Nội: Triển khai “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” để hạn chế úng ngập do ảnh hưởng bão số 7

Để chủ động ứng phó với bão số 7 và mưa lớn, hiện các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh và Quảng Bình đến Phú Yên đã sẵn sàng các kịch bản sơ tán hơn 100.000 hộ dân.

* Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa cấm biển từ 17h ngày 9/10 đến khi bão tan

Tại khu neo đậu tàu thuyền Cảng Hới, TP Sầm Sơn. Trên 1.700 tàu thuyền với gần 5.400 lao động đã vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cũng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ven biển, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

* Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình cũng chỉ đạo các Sở, ngành và huyện Kim Sơn khẩn trương triển khai các biện pháp hộ đê ở những đoạn sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của hàng nghìn hộ dân bên trong đê.

Trước khi bão vào đất liền, tất cả tàu thuyền ven biển đã vào nơi an toàn. Các địa phương thực hiện công tác 4 tại chỗ, tổ chức lực lượng sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi cần thiết.

Đảm bảo an toàn cho người dân về quê trong mưa bão

Các tỉnh, thành được yêu cầu dừng di chuyển, bố trí nơi ở tạm thời cho người dân về quê trong thời gian bão số 7 và bão số 8 ảnh hưởng. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 10/10.

Chủ động ứng phó với bão, mưa lũ - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hiện bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và số 8 sắp tới xuất hiện trong tình huống đặc biệt khi có COVID-19. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương không chủ quan, sẵn sàng mọi phương án.

Các tỉnh, thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, trong 10 ngày tới, thông tin đến người dân nguy cơ thiên tai từ Hà Tĩnh trở ra, đặc biệt là các điểm gây ngập lụt trên Quốc lộ 1.

Phó Thủ tướng cho biết, thông tin không phải để cấm về quê mà giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian đi lại và đảm bảo an toàn. Các địa phương dọc QL1 sẵn sàng thành lập trạm trung chuyển để đưa người dân qua điểm ngập lụt nếu có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước