Nhằm chủ động ứng phó với bão số 5, công tác kêu gọi tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế trong ngày 10/9 được tiến hành khẩn trương và dự kiến trong chiều tối 10/9, tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ sẽ vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.
Ghi nhận tại Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An, trong sáng 10/9, hàng chục tàu thuyền lớn với hàng trăm lao động tấp nập hối hả chạy vào bờ tránh bão số 5. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng tại đây sử dụng ca nô và loa phóng thanh hướng dẫn chủ tàu, thuyền viên đeo khẩu trang lần lượt vào Trạm để làm thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, test nhanh COVID-19.
Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bố trí hai nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lao động trên biển trở về. Sau khoảng 15 phút, khi có kết quả, nếu âm tính các thuyền viên sẽ lên tàu về nơi tránh trú theo hướng dẫn. Đối với những tàu thuyền đến từ vùng dịch sẽ tạm thời cách ly trên tàu, đợi chính quyền địa phương sắp xếp nơi cách ly tập trung đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết, thực hiện công điện của cấp trên, đơn vị đã nhanh chóng triển khai kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn và đã tổ chức bắn pháo hiệu ba lần vào tối 9/9 để cho các tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi xa nhanh chóng chuyển hướng vào đất liền tránh bão. Tính đến trưa 10/9, có khoảng hơn 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã di chuyển vào khu neo đậu để tránh trú bão, còn khoảng 15 phương tiện tàu thuyền với 112 lao động đang di chuyển vào đất liền trong chiều tối.
Tại âu thuyền khu neo đậu Phú Hải, ở huyện Phú Vang, hàng trăm tàu thuyền lớn đã vào vị trí neo đậu, ngư dân khẩn trương chằng chống, gia cố lại các dây thừng níu giữ tàu với những cọc sắt lớn trên bờ. Đây là âu thuyền mới được xây dựng, luồng lạch được khơi thông sâu nên tàu bè di chuyển vào bên trong gặp nhiều thuận lợi.
Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang cho biết, khu âu thuyền ở địa phương là nơi tránh trú bão lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện nay, với nhiều tàu thuyền trong và ngoài tỉnh cập bến. Công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19 tại đây được tăng cường. Bên cạnh đó, địa phương cũng chỉ đạo bố trí sắp xếp tàu thuyền hợp lý, để tránh va đập do gió lớn, gây thiệt hại về tài sản cho ngư dân.
Chiều 10/9, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương về ứng phó với bão số 5. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị trước 12 giờ ngày 11/9 phải có phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão số 5, nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, đặc biệt ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, khẩn trương chằng chống nhà cửa, sớm cắt tỉa cây xanh; sẵn sàng phương án "4 tại chỗ", phát huy "tự quản tại chỗ".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu chính quyền địa phương thông báo đến chủ đầu tư các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải có phương án đảm bảo an toàn hồ đập. Đặc biệt, tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Rào trăng 4, yêu cầu chủ đầu tư thông báo đến các công nhân lao động đang làm việc tại nhà máy "ai đang ở đâu, ở yên đó", không di chuyển trong lúc bão diễn ra.
Chiều 10/9, tại thành phố Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp để bàn giải pháp ứng phó với bão số 5.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tất cả chủ của 2.312 tàu thuyền đều đã nhận được thông tin và hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Ngoài ra tỉnh cũng đã kêu gọi 63 tàu thuyền với 417 thuyền viên của tỉnh, thành khác vào neo đậu tránh trú bão. Nông dân đã thu hoạch được hơn 18.000 ha lúa Hè Thu 2021, còn trên 4.000 ha chưa thu hoạch. Hệ thống hồ chứa cơ bản đảm bảo an toàn, dung tích trữ nước còn thấp khi mới chỉ đạt 17% tổng dung tích thiết kế.
Tỉnh chia ra 5 vùng trọng tâm để lên phương án di dời dân tránh bão gồm: Vùng trực tiếp ảnh hưởng của bão thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập sâu ở ven các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, Hiếu, Sê Pôn; vùng lũ quét ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và vùng gò đồi huyện Cam Lộ; vùng sụt lún, sạt lở đất ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ.
Về phương án di dời dân tránh bão, nếu bão ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 3, tỉnh sơ tán trên 9.000 hộ với hơn 28.000 nhân khẩu thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; trong đó ưu tiên di dời khẩn cấp trên 1.800 hộ với hơn 6.300 nhân khẩu. Nếu bão ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 4 thì sơ tán trên 29.000 hộ với hơn 100.000 nhân khẩu trên toàn tỉnh; trong đó ưu tiên di dời khẩn cấp gần 16.800 hộ với trên 52.000 nhân khẩu.
Đối với phương án di dời dân tránh lũ, nếu lũ trên báo động 3 thì toàn tỉnh cần di dời trên 14.200 hộ với hơn 52.7000 nhân khẩu; vùng xảy ra lũ ống, lũ quét cần di dời hơn 2.240 hộ với gần 9.000 nhân khẩu; vùng xảy ra sạt lở đất cần di dời hơn 1.440 với hộ với trên 6.830 nhân khẩu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu các ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu và chằng buộc an toàn; tạo điều kiện cho tàu thuyền và ngư dân của tỉnh, thành khác vào neo đậu tránh trú bão an toàn nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa Hè-Thu; đảm bảo an toàn cho các công trình và nhà dân; vận hành an toàn hồ đập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi di dời dân tránh bão…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!