Trong nhiều năm qua, chơi hụi-họ đã trở thành một tập quán phổ biến tại các vùng nông thôn và cả thành thị Việt Nam. Được người dân coi là hình thức góp vốn mang tính chất tương trợ, chơi hụi-họ ban đầu chỉ là phương tiện hỗ trợ tài chính cho nhau trong cộng đồng. Hoạt động này không vi phạm pháp luật, chỉ bị cấm khi có sự lợi dụng để cho vay nặng lãi hoặc chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, đã có nhiều vụ việc chủ hụi lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn. Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, người dân vẫn tiếp tục tham gia với hy vọng sinh lời từ khoản tiền nhàn rỗi của mình.
Điều tra viên Nguyễn Huy Thủy, Công an huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Ở đây chơi họ thì có lãi suất cao hơn gửi ngân hàng, do đó mà người ta cũng ham cái lãi suất này. Thứ 2 là có những người hàng tháng người ta tích lũy được số tiền nhỏ thì đây cũng là hình thức tích lũy hộ cá nhân hoặc là gia đình".
Việc dễ nộp và dễ rút tiền cũng khiến chơi hụi trở thành hình thức tích lũy và trả góp rất tiện lợi với người dân. Bà Đỗ Thị Tươi, người dân phường Anh Dũng, Dương Kinh, Hải Phòng, chia sẻ: "Chơi cái này nó tiện. Chơi 1 năm rồi bốc thôi. Có làm cái gì thì cũng ra tấm ra món ra miếng".
Với sự linh động này, nhiều người tìm đến chơi hụi, như ông Nguyễn Viết Ngoạn tại xã Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cho biết: "Từ trước đến nay người dân ở đây muốn làm nhà cưới vợ hay muốn làm việc lớn gì thì đều phải chơi họ hết. Không chơi họ lấy tiền đâu mà dồn lúc 5, 6 trăm triệu đến cả tỉ mà mua đất".
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 2 vụ vỡ hụi lớn tại thành phố Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa. Số tiền dây hụi lên đến hơn chục tỉ đồng nhưng các chủ hụi đều không thông báo với chính quyền địa phương.
Chỉ khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, người dân mới làm đơn trình báo. Còn tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào giữa năm nay cũng đã xảy ra vụ vỡ hụi với hình thức mới là chơi hụi online với lãi suất cao. Chủ hụi hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương. Sự việc đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ.
Cái giá của lòng tin mù quáng
Hụi-họ, hay còn gọi là họ, vốn là một tập quán quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Với bản chất là hình thức góp vốn cộng đồng, hụi-họ giúp người tham gia tích lũy tiền bạc và hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Pháp luật không cấm hình thức này, nhưng có những quy định rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi người chơi. Tuy nhiên, vì tin tưởng lẫn nhau, nhiều người chơi hụi không nắm rõ quyền lợi của mình, dẫn đến mất cảnh giác và tạo điều kiện cho những vụ vỡ hụi xảy ra.
Tại xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, hình ảnh những vệt sơn đỏ bôi lên tường căn nhà bỏ hoang của một chủ hụi sau khi tuyên bố vỡ nợ đã để lại dấu ấn của sự tức giận và tuyệt vọng. Người dân đã yêu cầu chủ hụi ghi rõ thời gian hoàn trả tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, hàng tháng trôi qua, số tiền ấy vẫn chưa quay trở lại với người chủ đích thực. Bà Nguyễn Thị Duyên, một người chơi hụi, bức xúc: "Cô ấy hẹn tôi đến ngày 30 tháng 6 âm lịch sẽ trả, nhưng nợ đã vỡ từ tháng 3. Làm sao mà trả được?"
Những câu chuyện vỡ hụi không phải là điều mới mẻ ở Hoằng Phong. Ông Lê Văn Kha cho biết đã có nhiều vụ vỡ hụi xảy ra trước đó tại nhiều nơi trong xã. Tuy nhiên, dù đã chứng kiến các vụ vỡ hụi trước đây, người dân vẫn tiếp tục tham gia vì chủ hụi là những người thân quen, hàng xóm, hoặc thậm chí là người trong gia đình.
Tại xã Hoằng Phong, bà Lê Thị Hường từng chơi hụi với chủ hụi hơn 20 năm, bởi bà tin tưởng vào người này. Bà chia sẻ: "Đã chơi với nhau bao nhiêu năm nay, tôi tin tưởng vì họ trả tiền rất tử tế." Những người tham gia chơi hụi hầu hết đều có mối quan hệ thân thiết với chủ hụi, nên sự tin tưởng càng lớn. Đối với bà Cao Thị May, chủ hụi không chỉ là người quen mà còn là chị em họ hàng trong gia đình.
Chỉ tính riêng tại xã Hoằng Phong, hơn 30 người chơi hụi đã mất gần 10 tỷ đồng khi chủ hụi vỡ nợ. Tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, gần 100 người chơi hụi bị thiệt hại hơn 15 tỷ đồng sau khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn. Bà Phạm Thị La, một nạn nhân của vụ vỡ hụi tại phường Anh Dũng, Hải Phòng, kể lại rằng bà đã đưa gần 1 tỷ đồng cho chủ hụi chỉ với vài chữ ký trên một tờ giấy đơn giản, thậm chí có người không có bất kỳ giấy tờ nào.
Trung tá Lê Anh Phương từ Công an TP Hải Phòng cho biết, người dân tham gia chơi hụi chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Phần lớn các giao dịch không có giấy tờ xác nhận, và khi chủ hụi bỏ trốn, người dân không có bằng chứng pháp lý để đòi lại số tiền đã đóng.
Khi thực tế phũ phàng xảy ra, người dân mới nhận ra những dấu hiệu bất thường và điểm yếu trong dây hụi. Bà Phạm Thị La cho biết: "Giờ đây, khi vỡ lở, tôi mới biết đúng ra mình phải biết mình đang chơi với ai. Đằng này, cả tôi và mọi người đều không rõ ai chơi cùng."
Người dân tại xã Hoằng Phong, như ông Nguyễn Viết Ngoạn, chia sẻ rằng chủ hụi không bao giờ cho người chơi biết chính xác tổng số người trong dây hụi, càng không cung cấp thông tin về thứ tự đóng hụi của từng người. Người chơi chỉ biết tin vào lời chủ hụi mà đóng tiền.
Mỗi người có 1 số tiền khác nhau, có những lý do khác nhau khi chơi hụi. Nhưng khi chuyện không may xảy đến, cái họ đều mất đi là lòng tin và tiền bạc. Khi xảy ra vỡ hụi, dù lý do là gì, thì việc người dân có thể lấy lại số tiền mà mình đã bỏ ra là rất khó và gian nan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!