Mái tôn, khung sắt xập xệ. Chợ không có khu vực gửi xe. Gian hàng tràn ra ngõ, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy...
Đây là Chợ Khâm Thiên, có diện tích chỉ 800m2, nằm trong ngõ nhỏ chật hẹp tại quận Đống Đa, Hà Nội. Những người dân ở đây chỉ mong có chợ mới.
Dù mong muốn có chợ mới nhưng bà Thu, tiểu thương kinh doanh nông sản tại chợ rất lo lắng mô hình không phù hợp sẽ làm mất khách.
Chợ Ngã Tư Sở hiện cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Khu nhà A vốn có 84 hộ kinh doanh đã bỏ chợ hết, giờ chỉ còn 2 hộ. Trần hở mái, hè nắng nóng hầm hập, mưa thì dột nát khiến khách ngại đến chợ, tiểu thương ế ẩm.
Đến năm 2025, Hà Nội dự kiến xây mới 141 chợ, cải tạo 169 chợ cũ. Có thể thấy, số lượng chợ đang xuống cấp, cần cải tạo rất lớn để phục vụ cho đời sống của hơn 10 triệu người dân Thủ đô.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch xây dựng, cải tạo và phát triển chợ cho phù hợp với đặc thù riêng về thói quen sinh hoạt, về kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc, cần tháo gỡ thì mới có thể thúc đẩy tiến trình cải tạo, xây dựng chợ hiệu quả hơn
Vướng quy định xây dựng, cải tạo chợ
Chợ Khâm Thiên được phân hạng là chợ hạng 3, dự kiến sẽ được xây dựng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chợ Ngã Tư Sở dù đã có tuổi thọ trên 35 năm nhưng được xếp hạng 1 tức là quy mô lớn nhất nên theo quy định hiện nay, chỉ chợ từ hạng 3 mới được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, chợ hạng 1-2 phải huy động vốn xã hội hóa. Mà chờ vốn xã hội hóa thì chưa biết đến bao giờ.
Tương tự như chợ Ngã Tư Sở, Hà Nội có 15 chợ hạng 1 và 58 chợ hạng 2 vì vướng quy định do đó chưa thể sử dụng vốn ngân sách để xây dựng, cải tạo chợ, do đó sửa đổi các quy định này là điều cần thiết.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, các chợ nội thành rất khó huy động vốn xã hội hóa để xây dựng chợ vì không có cơ chế phù hợp cho nhà đầu tư. Hà Nội đã từng có những nỗ lực trong xây dựng cải tạo chợ, như Chợ Hàng Da, Chợ Mơ, Chợ Cửa Nam… chuyển đổi thành mô hình Chợ kết hợp TTTM nhưng không thành công. Do đó, bên cạnh những chợ có thể xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, vẫn cần khơi thông dòng vốn ngân sách nhà nước cho những chợ trong nội đô sớm được xây dựng.
Việc sửa đổi quy định vướng mắc cũng đã được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Nghị định Quản lý và Phát triển Chợ thay thế cho Nghị định 02 và Nghị định 114 dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 4 này.
Trong khi chờ đợi sự thay đổi của các quy định để giải quyết được các khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải trong công tác phát triển và quản lý chợ trên thực tiễn thì nhiều địa phương cũng đã có cách làm mới thu hút vốn, nhân lực để cải tạo lại những khu chợ thuận tiện, sạch sẽ, an toàn hơn.
Chợ mới hợp thời đại
Chợ có nhiều lối ra vào thông thoáng. Đường đi trong chợ rộng đến 4m. Quầy thịt bằng inox khang trang, có bồn rửa tay riêng. Quầy rau luôn được kê cao sạch sẽ. Chợ Thượng Thanh, quận Long Biên xây bằng vốn xã hội hóa là 1 mô hình chợ mới hiện đại, thành công, được người dân ưa chuộng.
100% chợ tại quận Long Biên được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa thành công. Chợ sạch sẽ được người dân ưa thích, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn bằng cho thuê diện tích bán hàng. Dù chỉ có lợi nhuận mỏng nhưng đóng góp được cho bà con địa phương là điều các chủ đầu tư tâm đắc.
Đã có nhiều địa phương trên cả nước có những mô hình chợ mới thành công tại Hà Nam, Đồng Tháp do thiết kế phù hợp với đặc thù địa phương. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, với các đô thị lớn, cần lưu ý mô hình chợ đầu mối, vì sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về mặt thương mại.
Viện cũng cho biết, các địa phương đang có những quy hoạch cấp tỉnh, thành phố, trong đó quy hoạch chợ chưa rõ nét. Thời gian tới, phát triển các chợ cần lưu ý các quy hoạch này để các chợ mới phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!