Nguồn kinh phí mua vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Tập đoàn T&T huy động, không sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 Việt Nam.
Bộ Y tế sẽ thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vaccine, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều nêu trên theo quy định.
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện các thủ tục ngoại giao có liên quan.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức vận chuyển vaccine theo đề nghị của Bộ Y tế.
Các Bộ Quốc phòng, Công an và các cơ quan, địa phương liên quan phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Giống như vaccine của Astrazenca hay Johnson and Johnson, Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus. Đây là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen, cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch, sinh ra kháng thể.
Để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài, các nhà khoa học Nga đã sử dụng hai loại vector adenovirus khác nhau cho lần tiêm chủng thứ nhất và thứ hai. Vì thế người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm 2 mũi để tăng hiệu quả lâu dài của vaccine.
Sau một thời gian triển khai tiêm đại trà, vaccine Sputnik V đã chứng tỏ hiệu quả cũng như độ an toàn, không xuất hiện hiện tượng cục máu đông. Một đặc điểm nổi trội nữa của vaccine Sputnik V là nó có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, thuận lợi cho việc triển khai tiêm chủng.
Vaccine Sputnik V đã được chấp thuận sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên và không mắc các bệnh mãn tính. Cho đến nay, vaccine Sputnik V đã được xuất khẩu và sản xuất tại hàng chục quốc gia trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!