Mùa hè đến, nắng nóng cũng là lúc nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, đi kèm với đó là nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tăng. Đây vốn là một nghề vất vả, nhất là khi thợ điều hòa phải căng mình làm việc trong những ngày nắng nóng, oi bức. Tuy nhiên, vẫn có một số ít thợ sửa thiếu trung thực, luôn tìm cách móc túi của người tiêu dùng.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề sửa chữa điện lạnh, anh Tài (Việt Tiến, Việt Yên, Bắc Giang) không chỉ nhanh chóng phát hiện ra những hư hỏng của các thiết bị điều hòa sử dụng trong gia đình, mà ngay cả những chiêu trò tinh vi của một số thợ sửa chữa điều hòa thiếu trung thực nhằm móc túi khách hàng cũng từng được anh chứng kiến.
"Ví dụ như nó chỉ bị chuột cắn, đứt dây. Khi thợ đến sẽ không báo cho chủ nhà là bị chuột cắn mà sẽ báo lỗi khác nhằm lấy tiền. Cái hay bị nhất là điều khiển, khi người sử dụng đặt sai chế độ máy, thợ không tốt sẽ báo là máy bị hư, sau đó họ sẽ bày trò là châm thêm gas, nêu thêm một số yêu cầu sửa chữa phát sinh để lấy thêm tiền", anh Nguyễn Văn Tài, Việt Tiến, Việt Yên, Bắc Giang, cho biết.
Mùa hè đến, nắng nóng cũng là lúc nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, đi kèm với đó là nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tăng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Một lỗi thường thấy ở các loại điều hòa gia đình đó là tình trạng chảy nước ở cửa gió. Phần lớn người dân sẽ gọi thợ và mất ít nhất vài trăm nghìn cho chi phí sửa chữa, thay thế thiết bị nào đó. Tuy nhiên thực tế, việc sửa chữa chỉ đơn giản là chỉnh lại đường ống thoát nước cho khỏi tắc.
Không chỉ trục lợi từ khách hàng bằng những chiêu trò tinh vi, một số thợ sửa điều hòa không được đào tạo bài bản, không có kiến thức chuyên môn, nhưng vẫn nhận sửa điều hòa cho khách còn có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh.
Những vụ nổ điều hòa được đưa lên mạng xã hội trong thời gian gần đây đều xảy ra khi có thợ sửa chữa. Theo anh Võ, giảng viên của một trung tâm dạy nghề sửa chữa điện lạnh, nguyên nhân của tình trạng này là do block của dàn nóng bị nén với áp suất quá cao, thợ sửa chữa không hề hay biết.
"Nếu một người thợ thiếu hiểu biết có thể úp một bình gas R32 và mở lượng gas vào hệ thống quá nhiều. Lúc này máy nén phải ép áp suất cao lên dàn nóng và vượt qua ngưỡng chịu đựng là 8.000 PSI, nên nguy cơ mất an toàn thường trực cao, có thể gây nổ", anh Vũ Văn Võ, giảng viên Trung tâm Dạy nghề điện tử - điện lạnh Võ Hà, cho hay.
Xác định lừa khách chỉ được một lần, nhưng sửa chữa uy tín, khách sẽ tự tìm đến nhiều lần. Do đó, ngoài những kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình sửa chữa, trung tâm này còn yêu cầu học viên phải tuyệt đối trung thực, tận tâm khi làm nghề.
Để tránh gặp phải những đối tượng lừa đảo, người dân nên tìm các đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng chuyên nghiệp, có uy tín, đồng thời tự tìm hiểu những kiến thức cơ bản trong quá trình sử dụng điều hòa để tự khắc phục, sửa chữa những sự cố đơn giản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!