Cụ thể, chiều cao của thanh niên Việt Nam ở nhóm nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với năm 2010). Con số này với nữ là 156,2 cm (tăng 2,4 cm so với năm 2010).
Thông tin tích cực khác là sau 10 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm còn hơn 19%. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ này vẫn ở mức cao, đặc biệt là miền núi hơn 37%.
Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng lên 19% sau 10 năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do mức tiêu thụ thịt tăng cao, trong khi tỷ lệ tiêu thụ rau dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với thịt các loại.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Tổng Điều tra Dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái. Đồng thời thực hiện thu thập các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phẩn ăn cá thể, cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, các kết quả chính của Tổng điều tra dinh dưỡng 2019 – 2020 cho thấy bức tranh toàn cảnh về dinh dưỡng Việt Nam, những tiến bộ trong 10 năm qua cũng như những thách thức khó khăn cần giải quyết trong giai đoạn tới.
Về khẩu phần ăn của người dân năm 2020, năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/ người/ngày năm 2010.
Cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, Lipid, và Glucid (2020) là: 15,8% : 20,2% : 64,0% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016).
Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020). Mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành;
Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; từ 84,0g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).
Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!