Nóng khô ở Nam Bộ dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất trong một tuần tới. (Ảnh: PLO)
Theo dự báo, khu vực Nam Bộ tiếp tục nắng nhiều và nóng nhất cả nước. TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đồng Phú, Cao Lãnh, Châu Đốc nắng nóng với mức nhiệt 35 độ C. Cần Thơ và các nơi khác 32 - 34 độ C.
Đáng chú ý, trong hôm nay (9/3) và ngày mai (10/3), chỉ số tia cực tím (tia UV) ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long đều ở mức 10, ở Phú Quốc còn lên mức 11. Đây là mức gây hại rất cao cho da và mắt. Người dân nên có các biện pháp chống nắng khi làm việc, vui chơi ngoài trời, như bôi kem chống nắng, mặc áo dài tay và đeo kính ngăn tia cực tím.
Ngoài ra, người dân cũng nên hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian nắng gắt nhất từ 10 - 15h; bổ sung đầy đủ nước và chất điện giải cho cơ thể, nhất là với những ai phải hoạt động lâu ngoài trời để tránh say nắng, say nóng.
Nóng khô ở Nam Bộ dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất trong một tuần tới. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiệt độ đều cao 35 - 36 độ C, thậm chí thứ Ba tuần tới (12/3) có thể lên mức nắng nóng gay gắt, 37 độ C, cộng với độ ẩm thấp, dưới 40%.
Cao điểm xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ở giai đoạn cao điểm và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết mùa khô (tức là tháng 4, 5). Báo cáo từ Cục Thủy lợi đưa ra chiều ngày 8/3.
Ranh mặn 4g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80 - 85 km, so với năm ngoái, mặn vào sâu hơn từ 13 - 15 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75 km trở xuống vào các ngày triều cường.
Xâm nhập mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng gần 40.000 ha lúa và khoảng hơn 43.000 ha vùng chuyên canh cây ăn trái tại ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!