Loại báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo thi hành án dân sự trong Quân đội
Thông tư quy định có 3 loại báo cáo thi hành án dân sự trong Quân đội:
a- Báo cáo định kỳ gồm: Hằng tháng, quý, 6 tháng, 10 tháng và 12 tháng;
b- Báo cáo thống kê thi hành án dân sự;
c- Báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề.
Về thời gian chốt số liệu báo cáo, Thông tư nêu rõ:
a- Báo cáo tháng: Tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng và thực hiện 12 kỳ báo cáo trong năm nghiệp vụ;
b- Báo cáo quý: Tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;
c- Báo cáo 6 tháng: Tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau;
d- Báo cáo 10 tháng: Tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 31 tháng 7 năm sau;
đ- Báo cáo 12 tháng: Tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 30 tháng 9 năm sau;
e- Báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất: Theo quy định của cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu báo cáo.
Nội dung báo cáo
Về nội dung báo cáo, Thông tư quy định báo cáo định kỳ: Báo cáo việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự trong Quân đội, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nội dung báo cáo thống kê thi hành án dân sự: Thực hiện theo Thông tư số 05/2024TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính.
Nội dung báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề: Thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự trong Quân đội; theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Hình thức, phương thức, thời gian và thời hạn báo cáo
Thông tư nêu rõ báo cáo thể hiện bằng văn bản trên khổ giấy A4 hoặc văn bản điện tử, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản thực hiện theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Thi hành án quy định mẫu đề cương báo cáo công tác thi hành án dân sự áp dụng thống nhất trong Quân đội.
Các phương thức báo cáo gồm: Gửi trực tiếp; Gửi qua quân bưu hoặc dịch vụ bưu điện; Gửi qua fax hoặc mạng truyền số liệu quân sự; Báo cáo có mức độ mật thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.
Thời gian lập và gửi báo cáo: Ngày lập báo cáo là ngày kế tiếp của ngày kết thúc kỳ báo cáo; ngày gửi báo cáo là ngày theo dấu bưu điện, quân bưu nơi gửi, ngày gửi fax, truyền số liệu hoặc ngày nhận báo cáo nếu gửi trực tiếp. Trường hợp ngày lập báo cáo, ngày gửi báo cáo trùng với nghỉ lễ, nghỉ Tết thì ngày lập báo cáo, ngày gửi báo cáo là ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ.
Thời hạn báo cáo: a- Phòng Thi hành án cấp quân khu báo cáo Tư lệnh cấp quân khu và Cục Thi hành án trước ngày làm việc thứ 03 của kỳ báo cáo kế tiếp; b- Cục Thi hành án báo cáo Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng có thẩm quyền trước ngày làm việc thứ 05 của kỳ báo cáo kế tiếp; c- Đối với báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề và báo cáo thống kê thi hành án dân sự thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ của Phòng Thi hành án cấp quân khu, Cục Thi hành án hoặc yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Thủ trưởng cơ quan nơi thực hiện báo cáo chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của báo cáo. Cơ quan nhận, cơ quan yêu cầu báo cáo thực hiện thẩm tra trong trường hợp cần xác định tính chính xác của các thông tin trong báo cáo.
Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung nội dung, số liệu thì cơ quan đã thực hiện báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được sửa đổi, bổ sung kèm theo nội dung giải trình và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu của thủ trưởng cơ quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!