COVID-19 xuất hiện như một nhân tố chính, tác động đến chất lượng không khí trong năm 2020. Một bản báo cáo về chất lượng không khí năm 2020 vừa được công bố cho thấy mối liên hệ giữa việc giảm tạm thời mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và mức giảm ô nhiễm không khí so với những năm trước.
Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 tổng hợp dữ liệu từ 106 quốc gia trên thế giới vừa được tổ chức IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố. Theo đó, ở các đô thị lớn, nguồn sinh ra bụi mịn PM 2.5 hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của COVID -19 đã giúp không khí năm 2020 sạch hơn ở 84% các quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích.
Những thành phố có chất lượng không khí được cải thiện nhiều nhất so với năm 2019 là Singapore, nồng độ bụi mịn PM 2.5 giảm 39%, Dubai và Jakata giảm 20%, Hà Nội giảm 19%, các thành phố lớn như Bắc Kinh, Chicago, New Delhi, London, Paris và Seoul cũng giảm từ 11-17%.
Tuy nhiên, vẫn có những nơi lại gia tăng mức độ ô nhiễm không khí như Los Angeles (+ 15%) và Melbourne (+ 27%), do là các thành phố này đều từng xảy ra cháy rừng nghiêm trọng trong năm 2020.
Thành phố nào ô nhiễm nhất thế giới?
Cho dù chất lượng không khí được cải thiện hơn trong năm 2020 nhưng xét về nồng độ bụi mịn tổng thể cả năm, chỉ 24/106 quốc gia có chỉ số chất lượng không khí ở mức an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ Chức y tế thế giới. Rõ ràng, đây là những con số còn khiêm tốn.
Nam Á vốn là khu vực ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là tại Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan. Trong năm 2020, mặc dù 63% các thành phố của Ấn Độ đã cải thiện được chất lượng không khí so với năm 2019 nhưng quốc gia này vẫn đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
2020 là năm thứ 3 liên tiếp New Delhi đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất. Nồng độ PM 2.5 trung bình trong 1 m3 không khí ở đây cao hơn 8 lần so với tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới. Đứng thứ 2 là Dhaka của Bangladesh.
Đại dịch COVID-19 cũng giúp phần lớn các thành phố của Trung Quốc có không khí sạch hơn năm 2019 nhưng Bắc Kinh vẫn đứng ở vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng.
Hà Nội xếp thứ 12. Nồng độ trung bình của PM 2.5 cao gần 4 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Hơn 15% số giờ trong năm 2020, tương đương gần 56 ngày, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức xấu, tương ứng với màu đỏ trong thang cảnh báo.
So với các năm các năm trước đó, con số này đã giảm đáng kể, thậm chí giảm một nửa so với năm 2016. Thời gian chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình cũng nhiều hơn so với các năm trước, chiếm 54%, tương đương với 197 ngày trong năm.
Chất lượng không khí được coi là ở mức tạm chấp nhận được khi nồng độ bụi mịn PM 2.5 không vượt quá 10 microgram/ 1 m3 không khí. Điều đó có nghĩa nếu nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở ngưỡng này thì sẽ giảm thiểu được các rủi ro về sức khỏe. Loại bụi này vốn được coi là có hại nhất cho sức khỏe chúng ta bởi kích thước siêu nhỏ của nó.
Sự nguy hiểm của bụi mịn PM 2.5
Kích thước của PM 2.5 là 2,5 micron, chỉ bằng 1/30 sợi tóc, mắt thường không thể nhìn thấy được. Bụi có thể đi qua lớp khẩu trang thông thường, thâm nhập sâu trong phổi và máu. Người hít phải bụi mịn, nhẹ thì có thể bị sổ mũi, hắt hơi, khó thở, ho kéo dài, rối loạn đường thở. Còn với trường hợp nặng, hít phải bụi mịn trong thời gian dài có thể mắc một số bệnh nghiêm trọng hơn như hen suyễn, bệnh tim hay là ung thư phổi.
Nếu không có các giải pháp kịp thời, nồng độ PM 2.5 ở các thành phố lớn của Việt Nam có thể tăng thêm 20-30% vào năm 2030 và sẽ còn nguy hiểm hơn nữa khi mà ô nhiễm không khí gia tăng về mức độ trong một thời gian dài.
Chất lượng không khí Hà Nội sẽ cải thiện trong các tháng tới
Tháng 4, 5, 6 là thời gian chất lượng không khí sạch nhất trong năm của Hà Nội cũng như các nơi khác của Bắc Bộ. Một phần là do sự thay đổi của thời tiết. Thay vì sương mù hay lặng gió, các tháng này trời sẽ quang đãng hơn, gió mạnh hơn, nắng nhiều hơn, chất ô nhiễm nhanh chóng phát tán giúp cho nồng độ bụi trong không khí thấp hơn. Chưa kể mưa rào còn thường xuyên xuất hiện, giúp không khí càng trong lành hơn.
COVID -19 sẽ dần được kiểm soát nhờ có vaccine nhưng sẽ không có vaccine nào có thể phòng chống được ô nhiễm không khí. Nếu các hành động để cải thiện chất lượng không khí cũng được quan tâm và quyết liệt, mạnh mẽ như cách mà cả thế giới đồng lòng chống lại COVID-19, việc tìm lại bầu không khí sạch có lẽ sẽ không còn là câu chuyện xa vời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!