Nguy cơ cháy, nổ nhà bán trú của học sinh
Bữa ăn của học sinh vùng cao mấy tuần qua trở thành đề tài nóng. Ở Lào Cai, phát hiện bữa ăn sáng của học sinh một trường tiểu học bị bớt xén, 11 em ăn cơm chan 2 gói mì tôm. Còn tại Sơn La, khu nhà của học sinh bán trú một trường ở huyện Sốp Cộp bị bốc cháy, thiệt hại cả người và tài sản.
Thủ tướng Chính phủ đã phải ra công điện về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dãy nhà ở và khu nhà ăn của gần 180 học sinh trường Nà Khoang, huyện Sốp Cộp, Sơn La sau một vụ hỏa hoạn, không chỉ tài sản bị thiêu rụi, mà đau xót hơn 1 em học sinh đã tử vong.
Hỏa hoạn xảy ra tại 2/3 dãy nhà ở của học sinh. Vì là nhà ghép, trong lõi có xốp nên chỉ hơn 10 phút là dãy nhà đã bị thiêu rụi. Hơn 1 tháng sau vụ cháy, hiện trường vẫn phải giữ nguyên vì cơ quan điều tra chưa có kết luận. Các thầy cô chỉ dọn những tấm tôn gọn lại để khỏi ảnh hưởng đến học sinh.
Trường có tới hơn 200 học sinh bán trú. Giờ nhà ở bị cháy, quần áo giặt xong không có chỗ treo, tối đến đành để ngoài trời. Hầu khắp các trường ở miền núi, mùa đông, các em vẫn phải tắm gội bằng nước lạnh.
6 phòng học phải sử dụng làm chỗ ở cho học sinh. Những ngày miền Bắc rét đậm, các em tìm cách che chắn cửa sổ khỏi bị gió lùa. Phòng đông nhất, tới 47 em. Có giường 2 - 3 em nằm xen vào nhau. Dù sao cũng có cái may là trời rét nên phòng chật sẽ ấm hơn.
Vì lớp học tạm dùng làm phòng ở, nên hiện học sinh của trường phải học tăng ca. Sẽ còn phải mất thời gian để chờ đợi xây dựng nhà ở mới cho học sinh. Dự kiến nhà ở sẽ an toàn, kiến cố hơn trước và sẽ có cả nước nóng để dùng vào mùa đông.
Giám sát bữa ăn bán trú
Hiện nay, học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có hai hình thức: Một là hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện có 29 tỉnh với hơn 1.160 trường; Hai là các trường tổ chức cho học sinh bán trú. Cả nước có trên 1.900 như thế này.
Tổng cộng, hơn 500.000 học sinh phổ thông được hưởng chính sách học sinh bán trú theo Nghị định số 116 của Chính phủ. Các nhà trường sẽ tổ chức cho các em ăn, ở, sinh hoạt dựa trên khoản hỗ trợ của Chính phủ. Câu chuyện bữa ăn bán trú làm sao đảm bảo công khai, minh bạch, không gian lận, bớt xén đang được đặt ra.
Trên bảng công khai thực phẩm hàng ngày của Trường Tiểu học Chiềng Ngàm, ví dụ học sinh sẽ có thịt lợn rang, đậu sốt, su su xào, canh cải bắp. Nhưng đấy là bảng công khai, còn trên thực tế, học sinh sẽ ăn uống như thế nào, chất lượng thực phẩm ra sao? Trường đã có giải pháp là lắp đặt camera trong khu vực này.
3 năm nay, Trường Tiểu học Chiềng Ngàm đã lắp camera. Vì kinh phí hạn hẹp nên cả khu vực chế biến chỉ có một chiếc để giám sát. Khi chế biến thực phẩm, các nhân viên được yêu cầu phải ngồi ở vị trí camera chiếu thẳng vào. Ban Giám hiệu, đại diện ban phụ huynh sẽ được quyền truy cập vào hệ thống để xem thực phẩm có đúng với thực đơn công bố.
Trường không cho tất cả phụ huynh truy cập vào vì lo ngại hình ảnh có thể bị sử dụng sai mục đích. Nếu phụ huynh nào cảm thấy nghi ngờ thì sẽ trực tiếp làm việc với nhà trường để xem lại hình ảnh.
Hiện những học sinh tại Trường Tiểu học Chiềng Ngàm được nhà nước hỗ trợ 15kg gạo/tháng cùng với số tiền tính theo phần trăm của lương cơ bản là 720.000/tháng. Một ngày ăn ba bữa, tính ra giá thành mỗi bữa ăn khoảng hơn 10.000 đồng.
Những em bé từ các thôn bản xa xôi, được về trường học, được nuôi dưỡng. Thời gian sống ở trường học nhiều hơn ở nhà. Vì thế mà sức khỏe, thể chất, nhận thức của các em đều phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc của nhà trường, thầy cô. Trường làm đúng, làm tốt thì các em sẽ phát triển tốt, còn không thì ngược lại.
Công khai, minh bạch chất lượng bữa ăn bán trú
Với khoảng 3.000 trường học trên cả nước đang tổ chức bán trú cho những học sinh được hưởng chính sách của nhà nước, phải khẳng định rằng có những nhà trường sai phạm, bớt xén bữa ăn của học sinh. Nhưng cũng có nhiều nhà trường làm đúng, làm hết trách nhiệm với cái tâm của người thầy.
Bởi với giáo viên vùng khó khăn, thầy cô nhiều khi còn phải bỏ thêm tiền túi, bỏ thêm thời gian để động viên, khuyến khích học sinh đến trường. Các nhà trường càng rõ ràng minh bạch sẽ chẳng có điều tiếng hay nghi ngại gì từ phụ huynh, xã hội.
Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Mai Sơn, Sơn La vận hành bếp ăn bán trú khá đặc biệt. Nhà trường thuê một đơn vị độc lập. Đơn vị này có người quản lý, ăn ở ngay tại khu nhà bếp để giám sát tất cả các quá trình.
Thực phẩm ngày nào nhập ngày đó không lưu cữu. Khi cân đong, đo đếm sẽ được chụp lại đưa lên một trang web của trường. Tất cả phụ huynh đều vào kiểm tra được. Ngoài ra, camera giám sát cũng lưu lại toàn bộ quá trình nấu nướng.
Trong bếp ăn có tới 10 camera giám sát tất cả các vị trí. Từng bàn ăn được chia theo lớp, có bàn trưởng, bàn phó để quản lý các thành viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La yêu cầu tất cả các trường đều phải có một chuyên mục trên trang web của nhà trường, hàng ngày công khai thực đơn, khẩu phần, chất lượng bữa ăn của học sinh nội trú, bán trú. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu có sai phạm.
Camera giám sát là một giải pháp để kiểm soát chất lượng bữa ăn tại các trường bán trú, nội trú. Nhưng ở những vùng không có sóng hay mạng internet thì việc này không thực hiện được. Vì vậy, cần tăng cường các đoàn kiểm tra giám sát làm việc thực chất để đảm bảo chất lượng học tập, ăn ở của các em học sinh.
Đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh vùng cao luôn là đối tượng được Đảng, Nhà nước, cộng đồng nhà hảo tâm dành sự quan tâm và chia sẻ đặc biệt. Vì thế chuyện về bữa ăn giấc ngủ của các em học sinh nơi đây chưa tương xứng với những chính sách, chưa được các địa phương, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm đúng mức, thậm chí có trường hợp bớt xén đã khiến cho dư luận bức xúc.
Bên cạnh tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc các nhà trường làm đúng làm đủ những điều các em học sinh đáng được hưởng cũng sẽ giúp cho những thế hệ tương lai của các bản làng có điều kiện học tập tốt hơn, phụ huynh có niềm tin khi đưa con em tới lớp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!