Cha mẹ cần làm gì khi trẻ không may bị mắc COVID-19

N.M (t/h)-Thứ sáu, ngày 11/02/2022 14:35 GMT+7

Khi nghi ngờ trẻ mắc COVID-19, gia đình cần báo với y tế phường để được xét nghiệm. Ảnh minh họa: SK&ĐS

VTV.vn - Theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần; tiêm phòng cho trẻ ngay khi được phép; hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe; sử dụng thuốc theo chỉ định nếu nhiễm bệnh.

Sau một thời gian dài học online tại nhà, trẻ em 5 - 11 tuổi sẽ được đi học trở lại trong thời gian tới, trong khi trẻ em ở lứa tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Làm thế nào để phòng ngừa cho trẻ, cách ứng phó khi trẻ không may bị mắc COVID-19, có nên tiêm vaccine cho trẻ đang là băn khoăn, lo lắng của nhiều vị phụ huynh học sinh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế.

Khi trẻ mắc COVID-19, các bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà khi vẫn hoạt động, vui chơi và ăn uống gần như những ngày không mắc bệnh.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, vào thời gian này, do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc nên dù không có dịch COVID-19 xảy ra, trẻ em vẫn thường dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.

Hiện trên thế giới ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 ở lứa tuổi trẻ em, kể cả từ tuổi sơ sinh. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em tương tự như người lớn. Tại Việt Nam cũng có ghi nhận trường hợp trẻ em mắc bệnh, kể cả từ lứa tuổi sơ sinh.

Phần lớn các trường hợp đều có biểu hiện các triệu chứng nhiễm virus như sốt, ho, sổ mũi, mệt... Một số trường hợp có kèm theo vấn đề viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Diễn biến nặng đa phần trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống.

Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng cho trẻ như bổ sung dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập.

Bên cạnh đó, gia đình cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác, đồng thời hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống cho trẻ; Hướng dẫn trẻ để rác thải đúng nơi quy định.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ không may bị mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Theo dõi sát sao nhiệt độ của trẻ. Ảnh minh họa

Khi chăm sóc, điều trị tại nhà cho trẻ mắc COVID-19 cần lưu ý:

Những việc nên làm:

- Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước.

- Theo dõi sát sao nhiệt độ, đo chỉ số SpO2 ít nhất 2 lần/ngày

- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt. Có thể dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng.

- Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít và trẻ không khó chịu chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch là đủ.

- Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Nếu bất kỳ khi nào trẻ có các biểu hiện sau thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện: thở nhanh; khó thở; cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ; bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu ngón tay, chân; chỉ số SpO2 < 95%.

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc: hạ sốt; bù nước điện giải; có thể bổ sung Vitamin tổng hợp; thuốc điều trị ngạt tắc mũi; thuốc ho và cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Gia đình không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.

Khi cần tư vấn, các cha mẹ có thể liên hệ các số điện thoại của các bệnh viện có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn phù hợp. Tại Bệnh viện Bạch Mai, có thể liên lạc số điện thoại 086.958.7716 của Trung tâm Nhi khoa để có thể được giải đáp một số vấn đề về chuyên môn.

Những việc không nên làm:

- Đừng nên tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho.

- Đừng nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin. Sức đề kháng của trẻ không thể tăng lên ngay lập tức chỉ với 1 vài loại vitamin.

- Đừng cho trẻ xông lá lẩu, tinh dầu... vì không có tác dụng điều trị bệnh đồng thời có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và có nguy cơ khiến trẻ bị bỏng.

- Tuyệt đối không tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt virus... Tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và cũng đừng chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Điều này vô tình làm hại nhiều trẻ khác.

Về việc cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.

Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng.

Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước