Nhiều người dân đã ghi lại hình ảnh cầu vồng lửa xuất hiện bao quanh núi Bà Đen.
Ngày mùng 5 Tết (26/1), nhiều du khách đã ghi lại hình ảnh hiện tượng thú vị "cầu vồng lửa" xuất hiện ở núi Bà Đen (Tây Ninh) ngay sau lễ khai mạc hội xuân núi Bà Đen.
Theo giải thích của các chuyên gia thì cầu vồng lửa là một hiện tượng quang học thuộc loại hào quang. Cầu vồng lửa được hình thành bởi sự khúc xạ từ ánh nắng Mặt Trời hoặc ánh nắng trong các đĩa tinh thể băng bay lơ lửng trong khí quyển và điển hình là trong các đám mây li ti.
Cầu vồng lạ xuất hiện trên núi Bà Đen ngay sau khai mạc lễ hội núi Bà Đen. (theo PLO)
Nếu được hình thành thật đầy đủ thì cầu vồng lửa thường có một dải màu lớn, phổ màu rực rỡ chạy song song với đường chân trời và nằm xa bên dưới mặt trời hoặc mặt trăng. Khoảng cách giữa cầu vồng lửa so với mặt trời hoặc mặt trăng rất xa thường gấp đôi so với hào quang 22⁰.
Thường thì cầu vồng lửa xuất hiện khi hội tụ đủ các yếu tố như: ánh sáng phải truyền qua những đám mây li ti hoặc mây tầng có chứa các tinh thể băng tại một góc cụ thể; mặt trời phải đạt độ cao ít nhất là 58⁰ so với đường chân trời. Đồng thời, các tinh thể băng bị ánh sáng phân tách thành các màu phải có dạng lục giác và các mặt của chúng phải chạy song song với mặt đất.
Khi ánh sáng đi qua mặt của các tinh thể này sẽ gây ra hiện tượng khúc xạ. Sự bẻ cong ánh sáng này cũng giống với sự bẻ cong ánh sáng qua lăng kính. Nếu các tinh thể này đứng thẳng hàng thì những đám mây li ti sẽ không thể hoạt động giống như một lăng kính khiến chúng có hình dáng giống như cầu vồng.
Bên cạnh đó, các đám mây có hình dạng mảnh cũng khiến chúng ta tưởng tượng ra hình dáng của một ngọn lửa. Chính vì vậy mà người ta mới đặt tên cho nó là cầu vồng lửa.
Với các điều kiện như vậy, việc cầu vồng lửa xuất hiện khá hiếm gặp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!