Cảnh giác "người lành mang trùng" lây bệnh truyền nhiễm

P.V-Thứ hai, ngày 09/10/2023 16:51 GMT+7

Chương trình tư vấn

VTV.vn - Theo các chuyên gia, nguồn lây truyền các bệnh truyền nhiễm, điển hình là bệnh bạch hầu không chỉ từ người bệnh mà cả người khỏe mạnh nhưng mang vi khuẩn.

Thông tin được các vị chuyên gia tư vấn trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến "Tiêm vaccine phòng Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt cho Trẻ em và Người lớn" phát sóng trên ứng dụng VTVGO, Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, fanpage và youtube VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn tối ngày 6/10/2023.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng, nhi khoa, bệnh truyền nhiễm gồm: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh, BS.CKI Đào Đỗ Thị Thiên Hương, bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt kể từ khi có vaccine nhưng mới đây, bệnh lại tái xuất ở các tỉnh ở phía Bắc gồm Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang gây ra một số ca tử vong và nhiều ca mắc.

Nhận định về nguy cơ bệnh bạch hầu có thể bùng phát trở lại, TS.BS Nguyễn An Nghĩa cho biết nguồn lây bệnh bạch hầu khó kiểm soát vì không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn bạch hầu cũng có triệu chứng bệnh và họ vẫn âm thầm lây cho người khác, gọi là người lành mang trùng. "Đây chính là nỗi lo vì không biết những người đang mang vi khuẩn để điều trị, từ đó trở thành nguồn lây trong cộng đồng", TS.BS An Nghĩa lo ngại.

Hiện bạch hầu gây nhiều thể bệnh. Ở thể rất nhẹ, bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau, ho, sốt nhẹ, nhức mỏi người và những triệu chứng này sẽ hết trong khoảng 3-5 ngày nên khó phát hiện bệnh. Ở thể nặng như bạch hầu thanh quản, họng, mũi… bệnh nhân thường xuất hiện giả mạc, phát triển nhanh gây bít đường thở và tử vong nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời.

Ngoài ra, bệnh không chỉ gây tổn thương khu trú, ngoại độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, tấn công thận, thần kinh… Khoảng 30% người mắc bệnh bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, suy tim, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

"Rất khó để nhận biết ai mang mầm bệnh trong cộng đồng, do vậy bệnh vẫn luôn tiềm ẩn và chờ cơ hội bùng phát nếu không phòng chống và tiêm chủng tốt, nhất là trong điều kiện giao lưu, đi lại giữa các vùng diễn ra rất thuận tiện. Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ em và người lớn là cách tốt nhất để phòng bạch hầu", TS.BS An Nghĩa nhấn mạnh.

Cảnh giác người lành mang trùng lây bệnh truyền nhiễm - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa khuyến cáo người lành mang trùng có thể âm thầm lây lan gây dịch bệnh cho cộng đồng.

Cùng với bạch hầu, các bệnh ho gà, uốn ván, bại liệt... đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả nên giảm ca mắc trong cộng đồng, tuy nhiên điều này không có nghĩa là bệnh đã biến mất hoàn toàn.

Để khái quát về các bệnh trên, BS.CKI Đào Đỗ Thị Thiên Hương cho biết: Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, có thể xảy ra ở mọi đối tượng và độ tuổi. Trong thời điểm mùa mưa đến như hiện nay, trẻ rất dễ mắc tình trạng ho hay các bệnh hô hấp. Để chủ động nhận biết bệnh ho gà ở trẻ, phụ huynh có thể lưu ý triệu chứng trẻ có cơn ho kéo dài, ho từ 2 tuần trở lên, ho kịch phát, ho kéo dài, tiếng rít như gà, đỏ mặt, nôn ói nhiều, nghiêm trọng hơn, trẻ có thể ngưng thở, tím tái.

Tiếp đến, phụ huynh cần xem xét thêm yếu tố dịch tễ, ví dụ như trong 3 tuần qua, trẻ có từng đến vùng ho gà, tiếp xúc với bệnh nhân ho gà, trẻ chưa tiêm vaccine,... để nhận biết sớm bệnh.

"Ho gà là một trong những bệnh truyền nhiễm có gánh nặng bệnh tật lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ vì những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến phổi, gây suy hô hấp, cao áp phổi, suy thận, thậm chí tử vong. Đây cũng là lý do vaccine ho gà được triển khai sớm từ giai đoạn sơ sinh, để giúp trẻ được phòng bệnh sớm", bác sĩ Thiên Hương cho biết.

Cảnh giác người lành mang trùng lây bệnh truyền nhiễm - Ảnh 2.

Bác sĩ Thiên Hương khuyến cáo trẻ em, người lớn, đặc biệt mẹ bầu cần tiêm vaccine để bảo vệ khỏi các bệnh ho gà, uốn ván.

Với bệnh uốn ván, nhờ triển khai tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm, Việt Nam đã thanh toán bệnh uốn ván sơ sinh ở quy mô cấp huyện từ năm 2005, tỷ lệ mắc dưới 1/1.000 trẻ sinh ra. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm các vaccine cơ bản ở phụ nữ đang suy giảm, nhiều trường hợp trễ lịch tiêm, quên tiêm nhắc hoặc tiêm không đầy đủ, không tiêm vaccine.

Theo bác sĩ Thiên Hương, uốn ván có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến trong thời gian ngắn. Bệnh không lây truyền từ người sang người, song trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh khi vết trầy xước hoặc vết thương tiếp xúc với trực khuẩn uốn ván (ở trẻ sơ sinh là rốn). Cách hiệu quả nhất để phòng uốn ván ở trẻ sơ sinh là tiêm vaccine uốn ván sớm và đầy đủ cho phụ nữ trước và đang mang thai. Miễn dịch của mẹ sẽ truyền cho con trong thai kỳ.

Các chuyên gia khẳng định, vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, an toàn và ít chi phí nhất để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm kể trên.

Nằm trong nhóm những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bạch hầu dễ lây lan nhanh qua đường hô hấp, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo tất cả trẻ em và người lớn đều cần tiêm chủng vaccine phòng bệnh để hạn chế mầm bệnh trong cộng đồng, đồng thời tạo miễn dịch chéo bảo vệ được trẻ nhỏ trong nhà, nhất là những trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.

Theo bác sĩ Chính, vaccine có chứa kháng nguyên bạch hầu có thể dùng cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn, không giới hạn cho độ tuổi ở người lớn.

Cảnh giác người lành mang trùng lây bệnh truyền nhiễm - Ảnh 3.

Bác sĩ Chính tư vấn về các loại vaccine bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván mà trẻ em và người lớn cần tiêm.

Có nhiều loại vaccine có thể phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và cả bại liệt phù hợp với mọi độ tuổi.

Từ năm 1990, Việt Nam đã sản xuất được vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Hiện nay, chương trình TCMR có vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B dành cho trẻ 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng. Khi trẻ 16-18 tháng tuổi, có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Chương trình tiêm chủng quốc gia có loại vaccine bạch hầu, uốn ván nhưng vaccine này chỉ tiêm cho trẻ lớn và người lớn, chỉ tiêm trong giai đoạn chiến dịch khi có bệnh bùng phát, không tiêm chủng rộng rãi.

Trong khi đó, tiêm chủng dịch vụ có nhiều vaccine phòng bệnh bạch hầu cho cả trẻ em và người lớn hơn. Trẻ 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng có thể tiêm vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B; hoặc vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib. Khi 16-18 tháng, trẻ cần tiêm nhắc vaccine 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Khi trẻ vào cấp 1, tiêm một mũi vaccine 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Lúc trẻ lên cấp 2, tiêm vaccine 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Trẻ lớn và người lớn tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván bất cứ thời điểm nào và nhắc lại mỗi 10 năm.

Bác sĩ Chính chia sẻ thêm, hiện nay, sử dụng vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu và các bệnh khác cho trẻ em và người lớn rất thuận tiện, hiệu quả cao, hiếm phản ứng phụ. Phụ huynh không nên lo lắng về việc trẻ tiêm phối hợp nhiều mũi trong một lần tiêm.

Đối với lịch tiêm chủng hiện nay, nếu phụ huynh bỏ lỡ hoặc quên những mũi tiêm trước đó của con, bác sĩ sẽ xem xét và tư vấn lịch tiêm phù hợp. Tuy nhiên, để bảo vệ con trước bệnh bạch hầu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, phụ huynh cần cho con tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và đủ mũi để bảo vệ con toàn diện nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước