Trường hợp bé trai 2 tuổi rưỡi ở Phú Thọ, đột ngột khó thở, tím tái mà không được phát hiện cho đến khi đưa vào bệnh viện Sản nhi Phú Thọ.
Gia đình cho biết, tối hôm trước, thấy con tự nhiên quấy khóc rồi lịm đi, liền đưa đi cấp cứu. Nhưng sau 12 tiếng đặt ống nội khí quản, thở máy tại trung tâm y tế huyện, vẫn khó thở nên được chuyển lên Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.
Vì trẻ không có tiền sử bệnh lý gì nên các bác sỹ nghĩ ngay tới dị vật đường thở và chỉ định chụp CT lồng ngực thì thấy tắc phế quản gốc bên phải. Vì vậy, cháu bé được nội soi phế quản ngay, gắp ra được dị vật là thức ăn giống miếng tôm dài 1cm. Hiện, bệnh nhi đã được rút máy và tự thở được.
Đối với trẻ nhỏ, nếu trong tầm quan sát của người lớn, khi thấy trẻ bị hóc, sặc có thể xử trí kịp thời. Nhưng với trường hợp ngoài tầm nhìn của người lớn, nếu có dấu hiệu bất thường, xảy ra đột ngột như cơn khó thở, tím tái có thể nghĩ tới tình huống hóc dị vật. Vì vậy, gia đình có trẻ nhỏ nên trang bị kỹ năng sơ cứu hóc dị vật như vỗ lưng, ấn ngực. Vì nếu không xử trí kịp, di chuyển đến cơ sở y tế quá xa, rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương đến não bộ, để lại di chứng đáng tiếc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!