Cảnh báo ngộ độc khi ăn thực phẩm bị mốc, mọc mầm

Minh Đức-Thứ tư, ngày 24/11/2021 15:39 GMT+7

VTV.vn - Các loại củ, quả, hạt khi tích trữ quá lâu sẽ bị biến chất, khi mọc mầm lại sản sinh các độc tố nguy hiểm với con người có thể gây ra hôn mê, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Do lo ngại vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhiều gia đình đã tự trồng một số loại rau mầm, khoai tây... để ăn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khác với rau mầm, một số loại củ, quả khi mọc mầm lại tạo ra độc tố.

Các loại củ, quả, hạt là thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng và dinh dưỡng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc tích trữ quá lâu, khiến các loại củ bị biến chất, khi mọc mầm lại sản sinh các độc tố nguy hiểm với con người.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, trong các loại rau, củ mà con người sử dụng làm thực phẩm, khoai tây mọc mầm là độc nhất. Trong mầm khoai tây có chứa solanine - một loại glyco-alkaloid đắng và độc. Chất độc này sẽ tập trung ở phần chân mầm, ở lớp vỏ xanh phía ngoài làm cho khoai tây bị đắng và độc tới mức không dùng được. Hàm lượng solanine trong mầm (1,34gr/kg) cao hơn nhiều trong ruột khoai tây (0,04-0,07gr/kg) hoặc trong vỏ (0,03-0,05gr/kg).

Chất này kích thích tương đối mạnh đến niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Do đó, nếu ăn khoai tây mọc mầm khi bị trúng độc, người bệnh có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy… Trường hợp nặng, nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột, sau đó co giật, hôn mê, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Không chỉ khoai tây, nếu ăn phải những củ khoai lang mọc mầm, những chất độc hại có trong mầm khoai sẽ tấn công hệ thần kinh, có thể gây nôn mửa, đau bụng…

Cảnh báo ngộ độc khi ăn thực phẩm bị mốc, mọc mầm - Ảnh 1.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), không mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc, như: Lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt... Không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại, vì độc tố sẽ còn lại bên trong. Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc, cần phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu... để gửi đi xét nghiệm, đồng thời báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.

Riêng đối với khoai tây, các chuyên gia lưu ý, khi chọn mua khoai tây, nên mua những củ cầm lên thấy nặng, chắc tay và lành lặn, vỏ trơn nhẵn, có màu vàng. Những dấu hiệu này cho thấy, đây là những củ khoai tây còn tốt, ăn sẽ ngon. Tuyệt đối không được mua những củ khoai tây kém tươi, bị mọc mầm xanh. Để bảo đảm an toàn, khi dùng khoai tây phải khoét bỏ phôi mầm và chỗ vỏ xanh trên của khoai rồi ngâm trong nước lã khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi chế biến nên cho vào nồi một thìa giấm ăn và ninh kỹ mới triệt được những chất độc có trong củ khoai tây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước