Cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xuất hiện trong tháng 5

Nguyễn Hương, Thanh Xuân, Phương Trang, Minh Hùng-Thứ bảy, ngày 04/05/2024 20:45 GMT+7

VTV.vn - Trong thời gian tới, dự báo cho thấy hiện tượng giông lốc, sét và mưa đá sẽ xảy ra mãnh liệt hơn rất nhiều. Do chịu tác động của hiện tượng El Nino.

Do tháng 4 và Tháng 5 là thời điểm giao mùa ở hầu khắp các khu vực trên cả nước - đây cũng là giai đoạn cao điểm dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ trong 3 ngày qua đã liên tục xuất hiện những trận mưa đi kèm với lốc xoáy, sấm sét và mưa đá, gây thiệt hại cả về người và tài sản ở các tỉnh thành trên cả nước.

Từ tối qua, mưa đã xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh, trận mưa tương đối nặng hạt giúp giải tỏa không khí oi bức, ngột ngạt nhưng cũng gây ra một số thiệt hại. Nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ đè trúng ô tô đang lưu thông trên đường. Mái tôn nhà dân, công trình, cơ sở sản xuất ở huyện Hóc Môn bị gió cuốn bay, nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Cùng thời điểm, tại một số nơi ở Đồng Nai như Trảng Bom, TP Biên Hòa cũng có mưa gây ngập nhẹ vài tuyến đường. Long An ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sét đánh. Trước đó, 1 người ở Yên Bái cũng bị sét đánh tử vong.

Thừa Thiên Huế liên tiếp mấy hôm nay đều có mưa lượng khá sau chuỗi ngày nóng như đổ lửa. Tuy nhiên, trận mưa dông kèm theo lốc xoáy đã cuốn bay hơn 50% mái trường tiểu học Phú Lương 1, phòng học bị hư hỏng nặng, toàn bộ học sinh phải nghỉ học vào ngày 2/5.

Trước đó vào chiều 1/5 ở huyện miền núi Tương Dương của Nghệ An cũng xuất hiện mưa đá kéo dài hơn 30 phút. Kích thước đá lớn rơi xuống làm hơn 200 ngôi nhà bị thủng mái, hư hỏng, có chỗ đá phủ dày 2 - 3cm trên mặt đất.

Đặc biệt, tại Sơn La vào đêm 2/5 cũng đã xảy ra trận mưa đá thứ 4 trong năm nay. Trận mưa đá hiếm gặp này kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ với mật độ dày, phủ trắng các quả đồi, nương, rẫy, gây thiệt hại khoảng 400 ha hoa màu, cây ăn quả lâu năm, làm thủng, vỡ mái nhiều nhà dân.

Nguyên nhân gây ra giông, sét, mưa đá cực đoan

Năm nay, tần suất các trận giông lốc, sét và đặc biệt là mưa đá có thể đánh giá là nhiều hơn gấp đôi so với mọi năm. Trong 5 tháng đầu năm ngoái, chỉ có khoảng 30 trận giông, lốc, sét và mưa đá. Trong khi năm nay, con số này lên tới 70 trận.

Không chỉ gia tăng tần suất, phạm vi, mà cường độ các hiện tượng cực đoan cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Nguyên nhân là do trong thời kỳ giao mùa, liên tục có sự tranh chấp giữa các khối khí nóng và khối khí lạnh, khiến không khí bị xáo trộn, tạo điều kiện hình thành các đám mây giông có đối lưu mạnh. Và nền nhiệt trước các đợt mưa càng cao thì sự tranh chấp này diễn ra càng mạnh mẽ, nguy cơ kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá cũng sẽ tăng lên.

Thực tế từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt cả nước đều cao hơn trung bình mọi năm, đặc biệt là trong tháng 4 với sự tăng cao từ 2-4 độ C, thậm chí có nơi vượt quá 4 độ C.

Đặc biệt, trong đợt nắng nóng bất thường trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, cả nước từ Bắc vào Nam đều chịu ảnh hưởng của nắng nóng diện rộng, khiến tháng 4 trở thành tháng nóng nhất trong gần 50 năm qua. Đã có 110 điểm thiết lập kỷ lục nhiệt độ trên cả 3 miền.

Cảnh báo giông lốc, mưa đá trong Tháng 5

Hiện tượng giông lốc, sét và mưa đá khó có thể dự báo xa được, nhưng có thể cảnh báo được trước qua các thiết bị theo dõi như ảnh mây vệ tinh và ảnh radar với độ phản hồi lớn. Từ đó, có thể đưa ra cảnh báo giông, lốc, sét và mưa đá trước khoảng 30 phút đến 1 tiếng.

Trong thời gian tới, dự báo cho thấy hiện tượng giông lốc, sét và mưa đá sẽ xảy ra mãnh liệt hơn rất nhiều. Do chịu tác động của hiện tượng El Nino, nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 5, nền nhiệt trung bình cao hơn 1.5-2.5 độ C.

Với nền nhiệt cao như vậy, cộng thêm tác động của các sóng lạnh yếu từ phía bắc xuống, tương tác làm cho dòng thăng phát triển mạnh, gây ra hiện tượng mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh.

Hiện tượng giông, lốc sét và mưa đá cũng có thể xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung trong tháng 5 và đầu tháng 6. Trong giai đoạn tháng 5 ở Tây Nguyên và Nam Bộ, gió tây nam bắt đầu hoạt động, có thể gây ra mưa giông chuyển mùa.

Dấu hiệu và cách phòng tránh lốc, sét, mưa đá

Mây vần vũ kéo đến, đen kịt bầu trời. Các lớp mây cuộn chồng lên cao, gió bắt đầu nổi lên và có cảm giác se lạnh là biểu hiện một cơn giông rất mạnh. Trong đó 30 phút đầu cơn giông là thời gian nguy hiểm nhất, rất dễ xảy ra lốc, sét, mưa đá nguy hiểm.

Dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng các hiện tượng này lại có sức tàn phá lớn. Điển hình như mưa đá, mức độ nguy hiểm của mưa đá phụ thuộc lớn vào kích thước của hạt đá rơi xuống.

Theo thống kê trên thế giới, kích thước các hạt mưa đá có thể từ 0,5cm cho tới hơn chục cm, tương ứng với đó là hạt đậu và to dần cho đến quả bóng tennis.

Kích thước hạt mưa đá càng to, tốc độ rơi càng lớn. Với hạt mưa đá có kích thước bằng quả trứng thì tốc độ có thể lên đến trên 60m/s, có thể tàn phá cây trồng và nhà cửa, nhất là những nhà mái ngói, mái tôn hay fibroxi măng yếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước