Những hình thức lừa đảo phổ biến nhất là: combo du lịch giá rẻ; cuộc gọi giả mạo khuôn mặt giọng nói; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; lừa đảo "khóa sim" vì chưa chuẩn hóa thuê bao... Các đối tượng thường giả mạo là ngân hàng, công ty luật, cơ quan Công an, ngang nhiên thách thức lực lượng chức năng.
"Các đối tượng manh động hơn khi có sự cấu kết với các đối tượng ở ngoài nước, lấy địa bàn ngoài Việt Nam là địa điểm vi phạm pháp luật. Do đó quá trình điều tra, truy vết các hoạt động phạm tội cần có sự hợp tác quốc tế", ông Vũ Trọng Nghĩa, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết.
Những hình thức lừa đảo phổ biến.
Bộ Công an đề xuất Nghị định 72 sửa đổi cần sớm được thông qua, để có căn cứ pháp lý giúp kiểm soát cả tài khoản trong nước lẫn tài khoản định danh xuyên biên giới. Trong buổi họp báo, ngân hàng cũng liên tục đưa ra các kịch bản để cảnh báo kịp thời tới người dân.
Bộ Công an cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Facebook để rà quét, xử lý các vi phạm trong thời gian nhanh nhất.
Cung cấp phần mềm chống lừa đảo cho người dân
Ngày 13/5, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã công bố phần mềm chống lừa đảo cho người dân. Phần mềm này được cung cấp miễn phí từ tháng 7 tới. Đây là ứng dụng cho điện thoại thông minh, hỗ trợ 2 hệ điều hành là Android và iOS.
Phần mềm được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hiệu quả nhằm phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên mạng và giúp nâng cao kỹ năng an toàn cho người dùng.
Phần mềm phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website, kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR.
Theo Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!