Cẩn trọng với "ma trận" thuốc điều trị COVID-19

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/03/2022 20:21 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: SKĐS.

VTV.vn - Hoang mang vì mắc bệnh lại nhận được nhiều lời khuyên từ các F0 đã khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đang rơi vào ma trận thuốc điều trị.

Thuốc đông y, thuốc xịt mũi, họng, thuốc để xông hay kháng sinh, kháng virus, kháng histamine cùng nhiều loại thuốc khác đang được các F0, người bán online rao tràn lan trên mạng xã hội.

Còn tại nhiều nhà thuốc, hàng chục loại thuốc, thực phẩm chức năng khác nhau được tư vấn, kê cho người dân để dự phòng tại nhà. Không ít người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua.

Chị Phạm Vũ Hồng Oanh (Hà Nội) chia sẻ: "Hôm nay chị cũng mua hết hơn 2 triệu vì đằng nào cũng dùng nên mua cả hộp luôn".

Hoang mang vì mắc bệnh lại nhận được nhiều lời khuyên từ các F0 đã khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đang rơi vào ma trận thuốc điều trị.

Thực tế trong quá trình tư vấn và khám bệnh từ xa cho các F0 điều trị tại nhà, bác sỹ Đỗ Tuấn Anh, Bệnh viện Bạch Mai đã gặp không ít các trường hợp tự ý sử dụng thuốc theo đơn trên mạng và được kê từ các nhà thuốc. Nhiều thuốc như kháng sinh, kháng histamine, vitamin không cần thiết cũng được nhiều nhà thuốc tư vấn, bán cho người dân.

Theo các bác sỹ, đa phần các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không cần thiết phải dùng các thuốc kháng virus mà chỉ cần điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng. Thậm chí ngay tại bệnh viện, tùy thuộc vào triệu chứng các bác sỹ mới kê thuốc kháng virus và đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.

Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Người dân nên dựa vào những hướng dẫn này để chăm sóc sức khỏe thay vì tự ý điều trị hay tin theo những đơn thuốc "thần thánh" truyền tay trên mạng để tránh tiền mất, tật mang.

Đề xuất chia nhóm để tránh lãng phí xét nghiệm

Cơ quan chức năng thời gian gần đây cũng đã bắt giữ các đối tượng chuyên chở, tàng trữ hàng nghìn que test nhanh không rõ nguồn gốc. Họ gom số que test ngoài thị trường rồi mang về bán kiếm lời. Thế nhưng, với tình trạng lây lan nhanh, số ca mắc mới tăng cao như hiện nay, nếu xét nghiệm tất cả, từ trường hợp tiếp xúc, nghi ngờ đến ca nhiễm sẽ rất tốn kém. Ngay cả những quốc gia giàu tiềm lực như Mỹ, một số nước châu Âu rồi Nhật Bản hay Australia cũng đang khủng hoảng khan hiếm test nhanh khi đối mặt với biến thể Omicron.

Vì vậy, khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao, nhiều ca nhẹ hoặc không triệu chứng, nên việc sử dụng test nhanh không còn thực sự hiệu quả do tải lượng virus thấp. Do đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất nên phân chia nhóm đối tượng để xem có nên xét nghiệm hay không, tránh lãng phí dẫn đến khan hiếm kit test nhanh.

Việc phân chia nhóm xét nghiệm được đề xuất theo mức độ cần thiết. Nhóm 1 là nhóm bắt buộc xét nghiệm như nhân viên y tế có dấu hiệu mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với F0. Nhóm 2 là nhóm cần xét nghiệm như người mắc bệnh nền có triệu chứng mắc bệnh hoặc tiếp xúc với F0. Nhóm 3 là nhóm cần cân nhắc khi xét nghiệm. Ví dụ, lớp học khi phát hiện F0, thì sẽ xét nghiệm cho các học sinh cùng lớp hoặc không. Nhóm 4 là nhóm không cần xét nghiệm, điển hình như người đã tiêm đủ liều cơ bản, tiếp xúc với F0 nhưng không có triệu chứng. Và ngay cả khi tiếp xúc gần F0, không cần xét nghiệm ngay mà chỉ cần test khi có triệu chứng.

Bộ Y tế đã quy định, F1 chỉ cần xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 sau cách ly. F0 cũng chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo trước những thông tin vô cùng đa dạng nhưng cũng nhiều sai lệch trong những ngày này. Các cơ quan chức năng cho biết, trên mạng xã hội hiện đang có nhiều thông tin quảng cáo tràn lan như: "Thuốc này chỉ cần uống 3 ngày là âm tính, hết Covid", "Tắm khi mắc COVID-19 khiến bệnh chuyển nặng hơn" hay "giả dạng là bác sĩ để tư vấn chuyên khoa về Covid"… Vì vậy, người dân cần cảnh giác trước những thông tin nhiễu loạn, chưa chắc đã giúp khỏi bệnh mà còn làm bệnh nặng hơn.

Nhiễu loạn thông tin trên mạng về điều trị, phòng chống COVID-19

Cả gia đình anh Việt (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh cách đây 1 tuần. Khi bị COVID, anh đã từng lên Facebook để hỏi kinh nghiệm của cộng đồng mạng. Một loạt bình luận đưa ra, người bảo dùng thuốc Trung Quốc nhanh âm tính, người bảo dùng thuốc Nga, người bảo trên mạng có phương pháp này hay lắm, phương pháp kia hay lắm. Thậm chí, có người đã điều trị thành công, chia sẻ luôn đơn thuốc của họ cho anh dùng thử.

Nhiều người như chị Hà (Quận Hà Đông, Hà Nội) khi bị COVID-19 đã lên mạng tìm mua các loại kit test. Giữa muôn vàn loại kít, loạn các mức giá và chủng loại khác nhau, chị rất băn khoăn, không biết nên mua loại nào chất lượng. Thậm chí chị đã đặt mua thuốc, sau đó không dám dùng, mất tiền vô tích.

Theo cơ quan chức năng, những loại thuốc, vật tư y tế xuất hiện trên các trang web không chính thống, trong các hội nhóm kín cá nhân là hoàn toàn sai quy định.

Những ngày qua bùng phát COVID vừa qua, tính trung bình 1 ngày, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 50-70 cuộc gọi và trang web tingia.gov.vn của Trung tâm cũng tiếp nhận khoảng 60 thông báo về tin giả. Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng với các sản phẩm điều trị, các thiết bị vật tư y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Tránh chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng đang tràn lan trên không gian mạng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước