Theo một báo cáo nghiên cứu mới được công bố ngày 28/11, có khoảng 450.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh tim có liên quan đến ô nhiễm không khí do hỏa hoạn gây ra từ năm 2000 đến 2019, các nhà nghiên cứu cho biết. Hơn 220.000 trường hợp tử vong do bệnh hô hấp được cho là do khói và các hạt phát tán vào không khí từ các đám cháy.
Gần đây nhất là vụ cháy nghiêm trọng xảy ra đêm 18/12 tại quán cà phê hát cho nhau nghe trên đường Phạm Văn Đồng (phường Cố Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người tử vong - đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo xác minh bước đầu của cơ quan công an, trong số 11 người thiệt mạng thì 6 được phát hiện trong nhà vệ sinh. Những người còn lại trên đường chạy lên các tầng trên.
Trong các đám cháy, hỏa hoạn, nạn nhân thường tử vong do ngạt khói và khí độc, trước khi bị cháy bởi ngọn lửa tấn công.
Theo ước tính ngạt khói chiếm từ 50 - 80% nguyên nhân gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Tổn thương do nhiệt chủ yếu ở đường hô hấp trên. Tử vong sớm trong đám cháy chủ yếu do thiếu oxy, kết quả của nồng độ oxy thấp, hít phải khí độc carbon monoxit (CO)… Điều này cho thấy, khi xảy ra cháy nổ, kỹ năng phòng ngạt khói, ngạt khí rất quan trọng và cần thiết.
Vậy để không ngạt khí độc và khói, cần làm thế nào?
Bình tĩnh để ứng phó
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia y tế Đoàn Thị Chi cho biết, đối diện với các đám cháy, hỏa hoạn, khi tứ bề là khói và khí độc, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ hôn mê, tử vong vì ngạt khí. Nhiều trường hợp tử vong do ngạt trước khi bị lửa tấn công. Do đó, nguyên tắc quan trọng nhất trong hoàn cảnh đó là phải giữ một trạng thái bình tĩnh để ứng phó sáng suốt. Chỉ có bình tĩnh mới xác định rõ được vị trí an toàn, di chuyển bằng cách bò sát mặt sàn, cố gắng để kéo dài thời gian tồn tại trong khi chờ ứng cứu từ bên ngoài.
Trong đám cháy thông thường hình thành 2 vùng cơ bản là vùng không gian sát trần nhà gồm khói và khí độc
Theo các chuyên gia, trong đám cháy thông thường hình thành 2 vùng cơ bản là vùng không gian sát trần nhà gồm khói và khí độc; vùng không gian phía dưới sát sàn nhà có ít khí độc hơn. Điều đó lý giải cho việc tại sao chúng ta nên di chuyển bằng cách bò sát mặt sàn, tuyệt đối không di chuyển trong tư thế đứng.
Đáng chú ý, trong hoàn cảnh đó, chúng ta cần dùng khăn ướt che mặt, che đường hô hấp để sẽ giảm lượng khí độc vào phổi. Chúng ta hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào, bịt các kẽ hở xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính. Nếu quần áo bị bắt lửa, hãy nằm và lăn người cho đến khi lửa được dập…Mục tiêu là kéo dài thời gian an toàn, tránh ngộ độc khí và hôn mê trong lúc chờ cứu hộ.
Có rất nhiều khí độc sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ...Trong đó CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Đây là một loại khí độc nhưng thường không có mùi và không màu nên bệnh nhân khó nhận biết mình đã hít phải và đang bị nhiễm độc. Nạn nhân có thể tử vong do ngạt, rối loạn chuyển hóa hô hấp, hít các khí thải độc từ đám cháy trong khoảng 5-10 phút.
Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, khi có nhiều người cùng di chuyển thoát nạn, cần giữ bình tĩnh, không chen lấn, xô đẩy, hoảng loạn. Di chuyển theo thang bộ và đường thoát hiểm, tuyệt đối không sử dụng thang máy. Lúc này, chúng ta cần hình dung trước quãng đường để có kế hoạch di chuyển sao cho có thể thoát hiểm một cách nhanh chóng và an toàn nhất.
Ngoài ra, trong lúc di chuyển qua khu vực có lửa, khói, cần tìm áo khoác, chăn dày thấm đẫm ướt nước, trùm lên người tránh bị cháy quần áo gây bỏng da trong lúc di chuyển.
Tự sơ cứu
Theo bà Chi, một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng chúng ta cần phải biết là sơ cứu cho nạn nhân bị ngạt. Trong và sau khi thoát khỏi đám cháy, nếu nạn nhân có biểu hiện suy hô hấp rất cần thực hiện hô hấp nhân tạo đúng cách, kịp thời…Bởi nếu luống cuống, chậm chễ hoặc làm sai cách sẽ dẫn đến nguy kịch, hít nhiều CO2 dẫn đến toan hoá máu, ngưng thở.
Trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo, để họ ngồi xuống hoặc nằm nghiêng, nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến. Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói cần lưu ý, nếu họ có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng, cần lấy ra để thông thoáng đường thở.
Còn trong trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng của họ để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Đặc biệt cần nhớ tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân để tráng tiếp tục bị bỏng lạnh.
Không trốn chạy vào nhà vệ sinh trong đám cháy
Theo các chuyên gia, sai lầm rất nhiều người mắc phải khi có hỏa hoạn xảy ra là trốn chạy vào nhà vệ sinh và đóng kín cửa vì rằng nơi đó có nước làm mát và có thể tránh lửa. Tuy nhiên, việc trốn vào nhà vệ sinh trong đám cháy chẳng khác nào đang "tự sát" bới không gian nhà vệ sinh thường rất hẹp và kín nên sẽ có nguy cơ cao bị ngạt khí. Khi khói độc tiến đến khu vực này, phổi có nguy cơ hít phải luồng khí độc và nóng, dẫn tới tổn thương nghiêm trọng...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!