Cần thắt chặt quản lý KOL, người nổi tiếng quảng cáo trên MXH

Hoàng Dương-Thứ năm, ngày 23/11/2023 21:00 GMT+7

VTV.vn - Sự có mặt của KOL, KOC giúp tăng sức hút và sự tin tưởng cho người tiêu dùng, tuy nhiên không phải cứ nổi tiếng là gắn với sản phẩm uy tín.

Nhiều chiêu thức hút khách hàng thời công nghệ số

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các chủ hàng đều hiểu rằng đừng chờ khách đến mà hãy chủ động tìm tới khách hàng. Trong thời đại công nghệ, mua sắm trực tuyến, giao hàng bùng nổ, các chiêu thức thu hút khách hàng trên mạng xã hội cũng rất đa dạng. Mỗi mặt hàng một cách tiếp cận, mỗi chủ hàng tìm ra một lối đi riêng để thu hút và giữ chân được càng nhiều khách hàng càng tốt.

Sống động, hấp dẫn, thay vì những trang quảng cáo món ăn bằng ảnh như trước, nay khách hàng có thể cảm nhận rõ ràng hơn về từng món ăn với thực đơn bằng clip.

"Chúng tôi đã sử dụng các kênh truyền thông trên nền tảng như TikTok, hay các ứng dụng như Grab, Shopee, tập trung chăm sóc những khách hàng quay trở lại, khách hàng thân thiết", chị Ngọc Phương, chủ nhà hàng Sushila, chia sẻ.

Dễ sử dụng, giao hàng nhanh, chi phí vận chuyển thấp, tiếp cận khách hàng dễ dàng, nhiều chủ quán ăn đã sử dụng ứng dụng đặt hàng online như một kênh chủ lực mang lại doanh thu ổn định trong bối cảnh hiện nay.

Cần thắt chặt quản lý KOL và KOC - Ảnh 1.

Livestream bán trái cây trên TikTok Shop. (Ảnh: NLĐ)

Để thu hút sự chú ý, các đơn vị kinh doanh trên các ứng dụng cũng đã sáng tạo ra nhiều chiêu thức bán hàng qua những phiên phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) độc đáo.

"Hàng tuần chúng mình sẽ có 3 - 4 phiên live. Một phiên live của mình có 500 - 3.000 lượt xem nên mình ra được những deal tốt cho khách hàng, hoặc chạy các mini game, tặng quà cho khách nên lượng tương tác rất nhiều, doanh thu tăng trưởng mạnh", chị Tuyết Nhung, Hà Nội, cho hay.

Với khả năng tương tác trực tiếp và sự hấp dẫn đặc biệt, livestream không chỉ thu hút người xem, mà còn mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Các bạn trẻ đang ngày càng tân dụng tốt cơ hội đó, tự lên tất cả bản thiết kế, xây dựng nội dung và tự livestream quảng cáo trên đa nền tảng từ Facebook, TikTok hay Instagram. Hưng Hoàng, một bạn trẻ tại Hà Nội, đang doanh thu khá tốt từ việc kinh doanh online.

"Một ngày mình bán được 400 - 600 đơn. Trào lưu KOL, KOC nổi lên rất nhiều. Nhiều bạn rất muốn làm KOL, KOC để mang lại nguồn thu nhập lớn. Cách mình thu hút được khách hàng đến và ở lại với mình đơn giản là mình không tập trung quá nhiều vào sản phẩm, mà tập trung vào tâm lý khách hàng", anh Hưng Hoàng, kinh doanh online, cho biết.

Thị trường kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng phát triển, cả về quy mô và hình thức. Đồng thời, cạnh tranh trên mạng cũng ngày càng gay gắt. Điều này thúc đẩy, những người kinh doanh ngày càng sáng tạo ra nhiều cách thức để thu hút khách hàng.

Những trải nghiệm đáng quên khi mua hàng trên mạng xã hội

Có thể thấy quảng cáo trực tuyến và livestream bán hàng đang là xu hướng thịnh hành. Bên cạnh việc các chủ shop tự quảng bá, thêm một phương thức đó là sự có mặt của những nghệ sĩ, người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, cho đến các ngôi sao mạng xã hội, thường được gọi là các KOL hoặc KOC trong những quảng cáo hoặc bài nhận xét sản phẩm. Nó giúp tăng sức hút và sự tin tưởng cho người tiêu dùng, tuy nhiên không phải cứ nổi tiếng là gắn với sản phẩm uy tín.

Một MC, diễn viên có tiếng thừa nhận quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Sản phẩm sữa được cô quảng cáo có thể điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường. Đáng nói không chỉ có mình cô, mà còn thêm một diễn viên, MC nam có tiếng khác cũng quảng cáo loại sữa này. Khán giả đã phản ứng dữ dội khi biết sự thật. Với họ đó là sự cố nghề nghiệp ,còn với người tiêu dùng đó là những trải nghiệm đáng quên.

"Tôi đã mua qua KOL review nhiều, tuy nhiên tình trạng này cũng làm tôi bị loạn, không biết tin theo ai, có người review tốt, có người review xấu", chị Trần Hồng Vân, Hà Nội, chia sẻ.

"Không phải sản phẩm nào được review từ KOL cũng mang lại cho mình cảm giác hài lòng, có một vài lần mang lại sản phẩm không như mình ưng ý", anh Phan Hồng Thái, Hà Nội, cho biết.

Thắt chặt quản lý các KOL và KOC

Mua sắm trên mạng như một sự may rủi. Đó là một vài trải nghiệm không như ý của người tiêu dùng và các KOL, KOC hay người của công chúng chân chính không muốn danh tiếng của mình bị ảnh hưởng nếu nhận lời quảng cáo cho những sản phẩm chất lượng không như quảng cáo trên mạng xã hội. Tuy nhiên bên cạnh cái tâm với công chúng, ý thức trách nhiệm của KOL và KOC, đã đến lúc cần có những quy định rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của những người này. Vì đội ngũ này ngày càng đông đảo, có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng mua sắm của người dân.

Quảng cáo, bán hàng trực tuyến là một hình thức hoạt động mang lại lợi nhuận chính đáng với những người nổi tiếng, các KOL và KOC. Mức thu nhập từ công việc này không hề nhỏ nên trách nhiệm của mỗi người quảng cáo cũng không thể xem nhẹ. Khi sản phẩm không đảm bảo như cam kết, không chỉ là đơn vị cung cấp sản phẩm phải chịu trách nhiệm, mà cả những người trực tiếp hay gián tiếp quảng bá cho sản phẩm đó cũng phải chịu liên đới, vì vậy cần định danh cho các KOL và KOC giống như mỗi người sẽ có một mã căn cước công dân.

"Cần định danh, xác định vai trò, nghĩa vụ của các KOL, KOC về những nội dung mà họ tuyên truyền, cách thức cũng như nghĩa vụ họ cam kết với người tiêu dùng, cũng như chính những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người tiêu dùng, những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ và cho KOL, KOC đó", ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số, nhận định.

"KOL và KOC nên được coi là đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ vì họ dùng sự ảnh hưởng của mình thuyết phục người mua. Thứ hai là họ thực hiện bán nên chúng ta cần có quy định, pháp lý về việc này để họ có trách nhiệm với sản phẩm đưa ra", ông Ngô Quốc Khang, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, nhận định.

Hiện nay, theo Luật Quảng cáo, đã có chế tài xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Luật Quảng cáo ra đời năm 2012, cách đây hơn 10 năm nên đã bộc lộ nhiều bất cập so với thực tế, nhất là với lĩnh vực quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, cần hoàn thiện pháp luật song hành cùng sự phát triển của công nghệ và các phương thức quảng cáo mới. Cùng với đó, việc chủ động lên tiếng của người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng như lời quảng cáo cũng là một công cụ hữu hiệu của xã hội văn minh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ bắt tay cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông kiến nghị bổ sung thêm chế tài mạnh hơn để xử lý các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi quảng cáo sai sự thật. Hiện Bộ này cùng nhiều cơ quan quản lý đã hoàn thiện dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi bổ sung và lấy ý kiến để hoàn thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự cẩn trọng để bảo vệ uy tín và sẵn sàng nói không với các sản phẩm ảnh hưởng đến tên tuổi, danh tiếng của chính KOL, KOC, người nổi tiếng.

Việc mua sắm, bán hàng trên mạng đang đặt ra hàng loạt những vấn đề cho nhà quản lý, không chỉ là chất lượng của hàng hóa, đội ngũ bán hàng còn nhiều điều đáng bàn, cùng với đó việc lừa đảo tài sản ẩn nấp dưới dạng mua sắm trực tuyến cũng đang là câu chuyện mà nhiều nạn nhân đã gặp phải. Do vậy, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, khi đưa ra bất cứ quyết định mua sắm trực tuyến nào, người tiêu dùng nên đắn đo thật kỹ, vì mua sắm càng nhanh, càng tiện lợi, càng có nhiều rủi ro.

Người nổi tiếng bán hàng trên mạng: Những cám dỗ từ lợi nhuận lớn Người nổi tiếng bán hàng trên mạng: Những cám dỗ từ lợi nhuận lớn

VTV.vn - Bên cạnh xử lý của các cơ quan chức năng, sự trừng phạt còn lớn hơn nhiều với những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật là sự quay lưng, mất niềm tin của công chúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước