Chì là một chất độc thần kinh mạnh gây ra tác hại không thể khắc phục đối với não của trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Thế nhưng hầu hết các gia đình đều không biết rằng, trẻ có thể dễ dàng nhiễm độc chì qua các vật liệu có chứa sơn màu.
Một khảo sát mới đây do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển công bố, có tới gần 40% mẫu đồ chơi tại một trường mầm non có chứa chì. Hưởng ứng chiến dịch Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì 2020, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành các quy định để kiểm soát nồng độ chì trong sơn, đặc biệt là các loại sơn trang trí dùng cho nhà ở và trường học để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em.
Những đồ chơi được sơn nhiều mắc sắc rực rõ, đa phần đều không nằm trong danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng. Một nghiên cứu mới về hàm lượng chì trong sơn của đồ chơi trẻ em ở các trường mầm non và hộ gia đình cho thấy, có tới 40% mẫu sơn có chứa chì vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 - 6 lần. Dù chì có tác dụng trong việc chế tạo sơn nhưng lại có nguy cơ lớn với sức khỏe con người, nhất là trẻ em.
Lần đầu tiên, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn công nghiệp đã được đưa ra để thảo luận và nghiên cứu. Tuy nhiên, mức quy chuẩn lại đang đặt ra là ít hơn 600 mg/l, vẫn gây hại tới sức khoẻ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada... nồng độ chì trong sơn đã được giới hạn xuống chỉ còn <90 mg/l từ nhiều năm trước.
Loại bỏ sơn chì sẽ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Đến năm 2030, giảm đáng kể số người chết và bệnh tật từ các hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nước và đất. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, đặc biệt là việc sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về giảm lượng chì trong sơn xuống mức an toàn tới sức khỏe con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!