Cải tiến mới trong chạy thận nhân tạo

P.V-Thứ sáu, ngày 01/03/2024 16:56 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến "Suy thận: lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo" do khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh phối hợp Báo điện tử VTV thực hiện.

VTV.vn - Máy chạy thận ứng dụng màng lọc hiệu quả hơn, sử dụng nguồn nước được xử lý tốt mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo.

20 giờ ngày 29/2, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Suy thận: lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo". Chương trình cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh suy thận, hai phương pháp điều trị phổ biến gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng, cập nhật cải tiến mới trong chạy thận nhân tạo. Góp mặt trong chương trình là 3 chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội thận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - một trong những "cánh chim đầu đàn" trong lĩnh vực nội thận, lọc máu (chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, liệu pháp thay thế thận liên tục), ghép thận tại Việt Nam. Hơn 35 năm cống hiến không ngừng nghỉ, bác sĩ Tạ Phương Dung được người bệnh thận tin tưởng nhờ kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm dày dặn và sự tận tâm với người bệnh. Bác sĩ Dung đã giúp hàng ngàn người bệnh thận thoát "cửa tử", nhiều người bệnh giảm được độ suy thận, cải thiện sức khỏe, chất lượng sống.

BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Hơn 15 năm đồng hành với người bệnh thận, bác sĩ Đinh Cẩm Tú đã giúp hàng trăm người bệnh suy thận mạn cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Không chỉ được người bệnh tin yêu, bác sĩ Đinh Cẩm Tú được đồng nghiệp đánh giá cao ở tinh thần trách nhiệm, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, hướng tới điều trị phù hợp cho từng người bệnh.

BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, bác sĩ khoa Nội Thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, được người bệnh tin tưởng bởi chuyên môn sâu trong khám, điều trị, hết lòng chăm sóc vì sức khỏe người bệnh. Hơn 20 năm làm việc, cống hiến trong lĩnh vực Nội thận - Lọc máu, bác sĩ Thanh Thùy giúp hàng trăm người bệnh thận cải thiện sức khỏe, sống một cuộc sống khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần.

Trong bối cảnh bệnh suy thận mạn đang gia tăng nhanh về số lượng, trẻ hóa về độ tuổi, chương trình đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn khán giả cả nước nhờ cung cấp thông tin hữu ích, thiết thực. Các câu hỏi, thắc mắc liên tục được gửi tới các bác sĩ. Ngay tại chương trình, các bác sĩ trực tiếp giải đáp, tư vấn từng băn khoăn cụ thể của khán giả về các phương pháp điều trị bệnh suy thận.

10% dân số thế giới mắc bệnh thận mạn

TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung cho biết tỷ lệ người mắc bệnh suy thận hiện chiếm khoảng 10% dân số toàn cầu. Tỷ lệ này có sự chênh lệch ở từng quốc gia. Đơn cử, tại Mỹ, người mắc suy thận chiếm 15% dân số, tương đương khoảng 30 triệu người.

Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê chính thức song ước tính cũng có khoảng 10% dân số mắc bệnh suy thận, tương đương khoảng 10 triệu người. Mỗi năm, cả nước ghi nhận thêm khoảng 8.000-9.000 người mắc bệnh suy thận.

Theo bác sĩ Tạ Phương Dung, bệnh suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn: giai đoạn 1-3 (nhẹ), giai đoạn 4 (nặng), giai đoạn 5 (giai đoạn cuối). Ở giai đoạn 1-3, việc điều trị suy thận cần thực hiện song song với điều trị các nguyên nhân gây bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), sỏi, hẹp/tắc nghẽn đường thoát nước tiểu… Đến giai đoạn 4-5, người bệnh cần điều trị thay thế thận gồm: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận.

Cải tiến mới trong chạy thận nhân tạo - Ảnh 1.

TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ tình hình bệnh suy thận trên thế giới.

Bác sĩ Đinh Cẩm Tú cho biết có 2 trường hợp suy thận: suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. Suy thận cấp tính là tình trạng chức năng thận suy giảm đột ngột do một bệnh nào đó. Người bệnh cần chạy thận nhân tạo khi điều trị nội khoa bằng thuốc không đáp ứng. Nếu điều trị kịp thời, chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn hoặc phục hồi một phần. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời, suy thận cấp tính sẽ diễn biến thành suy thận mạn tính.

Suy thận mạn tính (suy thận giai đoạn cuối) xảy ra khi độ lọc cầu thận eGFR dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da. Người bệnh có các biểu hiện của hội chứng urê máu cao (ngủ gà, rối loạn tri giác…); rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy…); thiếu máu; quá tải thể tích tuần hoàn (phù, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim…), tăng kali máu… Trường hợp này, người bệnh cần lọc máu (chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng) suốt đời.

Cải tiến mới trong chạy thận nhân tạo - Ảnh 2.

BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ về các dạng suy thận.

Giải đáp thắc mắc của khán giả về các phương pháp thay thế thận điều trị suy thận giai đoạn cuối, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy cho biết ngoài ghép thận còn có chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Mục đích của hai phương pháp này đều nhằm giúp người bệnh lọc thải các độc tố urê, chất dư thừa, cân bằng nội môi do chức năng thận đã mất, không lọc được. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng thực hiện khác nhau hoàn toàn.

Chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dụng máy chuyên dụng dẫn máu của người bệnh đi qua màng lọc (màng bán thấm), dựa vào cơ chế khuếch tán, siêu lọc để lấy đi các độc tố urê, creatinine, sản phẩm chuyển hóa nitơ, nước dư thừa rồi đưa trở lại cơ thể người bệnh. Một buổi chạy thận nhân tạo kéo dài 3-4 tiếng. Số lần chạy thận mỗi tuần tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Trong khi đó, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) sử dụng chính màng bụng (phúc mạc) của người bệnh làm màng lọc. Dịch lọc có tính thẩm thấu cao được đưa vào bụng người bệnh thông qua catheter (ống dẫn). Các chất thải, độc tố, nước dư thừa thẩm thấu qua màng bụng vào dịch lọc rồi thải ra ngoài. Lọc màng bụng có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy. Để đủ điều kiện lọc màng bụng, người bệnh cần chưa từng phẫu thuật ổ bụng, chưa từng viêm màng bụng, chức năng màng bụng tốt.

Chọn chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng tùy thuộc nhiều yếu tố: tuổi tác, bệnh đi kèm, điều kiện chăm sóc, kinh tế, tính chất công việc, khả năng tiếp cận trung tâm lọc máu… Một người bệnh không nên điều trị cùng lúc cả chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc được bác sĩ chỉ định.

Cải tiến mới trong chạy thận nhân tạo - Ảnh 3.

BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ về chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Cải tiến trong chạy thận nhân tạo

Theo bác sĩ Thùy, chạy thận nhân tạo hiện là "phao cứu sinh" cho rất nhiều người bệnh suy thận giai đoạn cuối. Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật HDF online ra đời, với nhiều cải tiến hơn so với kỹ thuật chạy thận nhân tạo thông thường, mang lại hiệu quả lọc máu cao hơn cho người bệnh.

Chạy thận nhân tạo HDF online kết hợp cơ chế thẩm tách và siêu lọc, giúp lọc tốt hơn đối với các độc tố urê có trọng lượng phân tử trung bình, giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm triệu chứng trong khi chạy thận (ngứa da, sạm dạ, tê bì tay…).

Những đối tượng người bệnh được hưởng lợi từ phương pháp HDF online: những bệnh nhân lọc máu lâu năm, có bệnh lý tim mạch, có tình trạng tăng phosphat máu không đáp ứng điều trị nội khoa và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng…

Quy trình chạy thận thường và HDF online hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, để lọc máu HDF online hiệu quả, người bệnh cần đường lấy máu đủ lớn nhằm đảm bảo tốc độ lấy máu ra đủ cho cuộc lọc (trên 300ml/phút), dùng loại màng lọc có tính thấm cao và lượng dịch bù cho phương thức đối lưu phải đạt đủ.

Hiện phương pháp HDF online được ứng dụng song song với chạy thận nhân tạo thường quy để hỗ trợ nâng cao chất lượng lọc máu cho người bệnh. Với những người bệnh có điều kiện tốt hơn, có thể thay thế hoàn toàn chạy thận nhân tạo thông thường bằng chạy thận HDF online.

Dù đang điều trị bằng phương pháp nào, các chuyên gia đều khuyên người bệnh cần tuân thủ đúng và đủ các hướng dẫn của bác sĩ về phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng, vận động, lịch tái khám, không tự ý thay đổi phác đồ điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước