Cách phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung khi nhiễm virus HPV

Tuệ Diễm-Thứ hai, ngày 27/03/2023 13:26 GMT+7

Các chuyên gia từ Hệ thống tiêm chủng VNVC và ĐVĐK Tâm Anh tư vấn trên sóng VTV.

VTV.vn - Thống kê có hơn 1 nửa số đàn ông và phụ nữ quan hệ tình dục thường xuyên có nguy cơ lây nhiễm virus HPV ở một lúc nào đó trong cuộc đời.

Ngày 23/3, các chuyên gia từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, BVĐK Tâm Anh đã tư vấn trực tuyến về "Tầm soát, dự phòng & điều trị sớm Ung thư cổ tử cung". Chương trình tư vấn y khoa hữu ích, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn khán giả theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội.

Chia sẻ trong chương trình tư vấn, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh cho biết: Thống kê tại BVĐK Tâm Anh, trong 6 tháng cuối năm 2022 có gần 12.000 bệnh nhân đến khám phụ khoa, trong đó, có khoảng 30-35% phụ nữ khám tầm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC). Trong số những người tầm soát bệnh ác tính, có khoảng 1/3 bệnh nhân đã nhiễm virus HPV. Con số này cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV trong độ tuổi hoạt động sinh dục khá là cao. Có khoảng 3.4% có tổn thương xem như UTCTC và 30% tiền ung thư.

Ung thư cổ tử cung là mối lo ngại hàng đầu của chị em phụ nữ, là loại ung thư đứng thứ 4 trên thế giới ở nữ giới. Đây là loại ung thư đứng ở top 2 các bệnh lý ung thư phụ khoa ở Việt Nam, chỉ xếp sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc mới hàng năm trên 600.000 trường hợp. Theo thống kê hiện nay mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 6 phụ nữ tử vong do căn bệnh ác tính này. Hiện nay, có đến 70% bệnh nhân UTCTC được phát hiện do liên quan đến nhóm virus HPV 16, 18 và 12 type nguy cơ cao.

"Phần lớn người nhiễm không hay biết cơ thể có virus HPV, một phần do giai đoạn đầu virus không có triệu chứng cảnh báo, mặt khác do hệ miễn dịch cơ thể có khả năng kháng cự lại quá trình nhiễm bệnh và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể", ThS.BS Kiều Lệ Biên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ lớn mắc virus, cơ thể không đủ kháng cự, tế bào phát triển mạnh mẽ, diễn tiến gây ra các bệnh, trong đó có ung thư.

Các trường hợp nhiễm HPV được phát hiện qua tầm soát tại bệnh viện Tâm Anh phần lớn do lây truyền qua đường tình dục, nam nữ hay cặp đôi đồng giới có quan hệ với bạn tình nhiễm HPV đều có nguy cơ cao.

Cách phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung khi nhiễm virus HPV - Ảnh 1.

Một số yếu tố tăng khả năng nhiễm virus như người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, virus tấn công qua vết xước ngoài da, hút thuốc lá, sử dụng nội tiết tránh thai…

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, hiện nay, phụ nữ mắc bệnh có thể điều trị nội khoa (thuốc, xạ trị) hay ngoại khoa như: khoét chóp cổ tử cung, cắt tử cung, cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng. Việc điều trị ung thư tùy thuộc vào tình trạng, giai đoạn phát hiện, nhu cầu sinh con, từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ phù hợp. Ở giai đoạn sớm, chúng ta có thể khoét chóp giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Ngược lại, phát hiện trễ việc điều trị bác sĩ sẽ ưu tiên tính mạng người bệnh. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cần chủ động dự phòng lây nhiễm HPV

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, sự thật HPV có trên 40 tuýp gây bệnh ở người, chúng có thể gây ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn, hầu họng, dương vật,....

Cách phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung khi nhiễm virus HPV - Ảnh 2.

BS.CKI Bạch Thị Chính tư vấn cho khán giả cách tiêm ngừa vaccine HPV.

Hiện nay, vaccine phòng HPV không chỉ có tác dụng bảo vệ UTCTC cho phụ nữ mà còn là vaccine bình đẳng giới, tức nam nữ đều có thể tiêm HPV. Gardasil 4 tiêm cho nữ và Gardasil 9 tiêm được cho nam, nữ từ 9-26 tuổi, người có quan hệ tình dục cũng nên chủng ngừa.

Theo kết quả khảo sát từ các quốc gia tiến hành tiêm chủng mở rộng, tiêm vaccin ngừa UTCTC cho bé gái thì tỷ lệ mắc bệnh của trẻ giảm nhưng khi mở rộng tiêm cho cả các bé trai thì tỷ lệ này giảm đi đáng kể. Vì vậy, nhiều quốc gia đã triển khai tiêm HPV cho cả 2 giới.

Để phòng ngừa, bảo vệ trẻ có một tương lai khỏe mạnh, phụ huynh nên chủ động tiêm ngừa sớm vaccine. Thống kê ở Bắc Mỹ, trẻ 15-16 tuổi chưa quan hệ tình dục nhưng có 50% số trẻ có virus HPV trong âm đạo. Các loại ung thư do HPV có thể gây ra do quá trình viêm nhiễm phụ khoa tái nhiễm nhiều lần. Khi trẻ tiêm phòng sớm, cơ thể có hệ miễn dịch, giảm được nguy cơ mắc bệnh như mụn cóc, nhú gai đường hô hấp, một số loại ung thư.

Dù đã tiêm phòng, cặp đôi vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, để dự phòng nguy cơ lây nhiễm virus HPV chúng ta có dự phòng 3 cấp độ. Ở cấp độ 1 khuyến khích cộng đồng thay đổi lối sống, sinh hoạt tăng sức đề kháng, thay đổi hành vi bằng cách quan hệ tình dục an toàn, tiêm vaccine HPV. Cấp độ 2, cần tầm soát UTCTC định kỳ hằng năm hoặc 3-5 năm. Ở cấp độ 3, khi có các tổn thương chẩn đoán tiền ung thư, ung thư tại chỗ hoặc ung thư xâm lấn có thể thực hiện phẫu thuật triệt để ngăn mầm mống ung thư di căn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước